Lùm xùm của những hoàng gia

(PLO)- Không chỉ hoàng gia Anh mà những hoàng gia khác ở Na Uy, Đan Mạch, Tây Ban Nha cũng có những câu chuyện ồn ào, rắc rối.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi nhắc đến Hoàng gia, công chúng thường nghĩ ngay tới những câu chuyện của Hoàng gia Anh. Chẳng thế mà cuốn hồi ký mang tên “Spare” (Tạm dịch: Người dự phòng) của Hoàng tử Harry bán được gần nửa triệu bản ở Anh trong tuần đầu tiên mở bán, trở thành cuốn sách phi hư cấu bán chạy nhất kể từ khi các kỷ lục được tính.

Ông Larry Finlay, Giám đốc điều hành của công ty Transworld (thuộc tập đoàn Penguin Random House) chịu trách nhiệm xuất bản cuốn hồi ký này ở Anh, cho biết Kỷ lục Guinness Thế giới đã ghi nhận “Spare” là cuốn sách phi hư cấu bán chạy nhất trong ngày đầu tiên xuất bản, theo tờ Guardian.

Trong cuốn sách, Hoàng tử Harry đã tiết lộ những câu chuyện hậu trường không mấy đẹp đẽ của gia đình Hoàng gia. Chẳng hạn như việc Hoàng tử Harry bị anh trai là Hoàng tử William đánh và xô xuống nền nhà vì chuyện liên quan đến vợ của Hoàng tử Harry - Meghan Markle hay chuyện Hoàng tử Harry đã uống rượu và dùng cần sa khi chưa đủ tuổi.

Tuy nhiên, không chỉ Hoàng gia Anh có những lùm xùm sau cánh gà mà những hoàng gia khác cũng có những câu chuyện hậu trường bất ngờ không kém.

Công chúa Na Uy từ bỏ nghĩa vụ hoàng gia

Vào tháng 11, công chúa Na Uy Martha Louise đã từ bỏ nghĩa vụ hoàng gia của mình để tập trung vào công việc kinh doanh với vị hôn phu đặc biệt - pháp sư nổi tiếng người Mỹ Durek Verrett, theo tờ The New York Times.

Công chúa Martha Louise, 51 tuổi, con gái của Vua Harald và Hoàng hậu Sonja đã đính hôn vào tháng 6 với pháp sư Durek Verrett. Pháp sư này là người tạo ra Spirit Optimizer - một loại bùa hộ mệnh chữa bệnh mà ông bán trên trang web của mình với giá 222 USD.

Công chúa Martha Louise bên cạnh vị hôn phu pháp sư Durek Verrett. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Công chúa Martha Louise bên cạnh vị hôn phu pháp sư Durek Verrett. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Kể từ khi hai người đính hôn, giới truyền thông Na Uy và công chúng đã chú ý đến ông Verrett nhưng chủ yếu là chỉ trích ông vì nhiều phát ngôn phi lý. Chẳng hạn, ông từng phát biểu rằng ông dùng bùa hộ mệnh để chống lại COVID-19, ung thư. Các bác sĩ kê đơn hóa trị vì họ nhận được “một tấm séc khổng lồ” từ các nhà sản xuất thuốc hay nói rằng mình là “loài bò sát lai”.

Trước khi gặp pháp sư Verrett, công chúa Martha Louise đã có niềm yêu thích với những vấn đề thuộc thế giới tâm linh và cho rằng mình có khả năng ngoại cảm, kết nối được với các thiên thần. Cặp đôi này gặp nhau ở Los Angeles (Mỹ) vào năm 2018, nơi ông Verrett sống vào thời điểm đó.

Ở Mỹ, pháp sư Verrett có một lượng lớn khách hàng và bạn bè là người nổi tiếng, bao gồm nữ diễn viên, ca sĩ nổi tiếng Gwyneth Paltrow. Năm 2019, công chúa mời ông Verrett đến Na Uy tham gia cùng cô trong chuyến du lịch mang tên “Công chúa và pháp sư”.

Trong một thông cáo về việc công chúa từ bỏ nghĩa vụ hoàng gia, gia đình hoàng gia cảm ơn công chúa Martha Louise vì đã thực hiện nhiệm vụ của mình “với sự ấm áp, quan tâm và cam kết mạnh mẽ”. Công chúa Martha Louise sẽ giữ danh hiệu của mình, nhưng cặp đôi “sẽ không có mối mối liên hệ nào với Hoàng gia Na Uy trên các kênh truyền thông xã hội của họ (cặp đôi này)”.

Nữ Hoàng Đan Mạch cắt giảm tước hiệu trong hoàng gia

Trong những năm gần đây đã có nhiều cuộc thảo luận ở Anh tính đến việc thu hẹp quy mô hoàng gia. Nếu ở Anh chỉ mới tính toán thì vào tháng 9-2022, hoàng gia Đan Mạch đã thực sự làm được điều này, theo The New York Times.

Nữ hoàng Margrethe II của Đan Mạch tuyên bố rằng bà đã dừng tước hiệu hoàng gia của cháu bà, là những người con của con trai thứ hai của bà - Hoàng tử Joachim. Theo đó, bốn người cháu của Nữ hoàng là Nikolai (23 tuổi), Felix (20 tuổi), Henrik (13 tuổi) và Athena (10 tuổi) sẽ không còn là hoàng tử hay công chúa nữa. Việc cắt tước hiệu hoàng gia này của nữ hoàng khiến công chúng bất ngờ và khiến chính gia đình hoàng gia dậy sóng.

Nữ hoàng Margrethe II (áo đỏ). Ảnh: REUTERS

Nữ hoàng Margrethe II (áo đỏ). Ảnh: REUTERS

Hoàng tử Joachim chia sẻ với tờ báo lá cải Đan Mạch Ekstra Bladet: “Tất cả chúng tôi đều rất buồn…Chứng kiến con mình bị đối xử tệ như vậy thật không vui chút nào. Chúng bị đặt vào một tình huống mà chúng không hiểu được”.

Hoàng tử cũng cho biết ông chỉ có năm ngày để giải thích với các con của mình. Con trai cả của ông - Nikolai nói: “Chúng tôi bị sốc trước quyết định này. Tôi rất bối rối không biết tại sao mọi chuyện lại xảy ra như thế này”.

Vào tháng 10, nữ hoàng thừa nhận rằng bà đã “đánh giá thấp” tác động của sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên, bà cho biết quyết định của bà “đã có từ lâu” và được đưa ra phù hợp với các giá trị của bà với tư cách là một “nữ hoàng, người mẹ và người bà”.

Trong một thông cáo, bà nói: “Nhiệm vụ và mong muốn của tôi với tư cách là nữ hoàng là đảm bảo rằng chế độ quân chủ luôn định hình phù hợp với thời đại…Đôi khi, điều này có nghĩa là phải đưa ra những quyết định khó khăn và sẽ luôn khó tìm được thời điểm thích hợp”.

Cựu vương Tây Ban Nha vướng nhiều tai tiếng

Vào tháng 5 năm ngoái, cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos đã trở lại Tây Ban Nha lần đầu tiên sau gần hai năm sống ở nước ngoài khiến người dân khắp đất nước mà ông đã cai trị trong gần bốn thập niên chú ý, theo The New York Times.

Vua Juan Carlos thoái vị vào năm 2014, chuyển đến Abu Dhabi vào năm 2020 sau khi các cơ quan điều tra cáo buộc ông đã nhận được khoảng 100 triệu USD tiền lại quả liên quan đến hợp đồng đường sắt cao tốc ở Saudi Arabia do một tập đoàn Tây Ban Nha trúng thầu.

Vua Felipe VI của Tây Ban Nha (trái) đứng cạnh cha - cựu vương Juan Carlos. Ảnh: ZIPI

Vua Felipe VI của Tây Ban Nha (trái) đứng cạnh cha - cựu vương Juan Carlos. Ảnh: ZIPI

Sau cuộc điều tra kéo dài ba năm thì cuối cùng, vào tháng 12-2021, các công tố viên Thụy Sĩ đã hủy bỏ vụ kiện này. Văn phòng công tố Geneva kết luận rằng họ không thể tìm thấy bằng chứng rằng có mối liên hệ giữa tài khoản của cựu vương Juan Carlo với công ty đường sắt nhưng đã phạt ngân hàng Thụy Sĩ do không báo cáo những gì liên quan đến vụ việc.

Đầu năm 2022, các công tố viên Tây Ban Nha cũng đã tạm dừng các cuộc điều tra với ông Juan Carlos, một phần vì các luật sư của cựu vương thành công trong việc lập luận rằng rằng các giao dịch trong quá khứ của vua được bảo vệ và nhà vua có quyền miễn trừ khi đang trị vì. Trong hai năm 2020, 2021, cựu quốc vương cũng đã trả khoảng 5,2 triệu USD tiền thuế truy thu cho Tây Ban Nha.

Mặc dù các công tố viên đã hủy việc điều tra nhưng đây không phải là vụ việc đầu tiên làm ảnh hưởng đến thanh danh của hoàng gia. Khi còn tại vị, vua Juan Carlos cũng đã vướng phải một số lùm xùm. Ví dụ như vào năm 2012, trong khi Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng kinh tế, ông đã đi săn voi ở Botswana - một quốc gia ở miền nam châu Phi, và bị gãy xương hông.

Tuy nhiên, rắc rối của gia đình hoàng gia không chỉ dừng lại ở vua Juan Carlos mà một trong những con gái của ông - công chúa Cristina và chồng bà - Iñaki Urdangarin cũng đã bị kiện vì gian lận kinh doanh.

Năm 2017, ông Urdangarin bị tuyên án tù. Công chúa Cristina không bị tuyên tội gian lận kinh doanh nhưng bị phạt vì liên quan đến công việc kinh doanh của chồng bà và sau đó, bà đã bị anh trai - Vua Felipe VI tước vương hiệu Công nương xứ Palma.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm