Tối hôm 7-6, trên trang Twitter chính thức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mức thuế mà Mỹ dự kiến sẽ áp đặt lên Mexico từ ngày 10-6 đã bị "đình chỉ vô thời hạn".
"Mexico đã đồng ý thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn làn sóng di cư qua Mexico tới biên giới phía Nam của chúng ta. Điều này được thực hiện để giảm đáng kể, hoặc loại bỏ hoan toàn tình trạng di dân bất hợp pháp từ Mexico vào Mỹ", ông giải thích.
Trước đó hôm 30-5, Tổng thống đã đe doạ sẽ áp dụng mức thuế 5% lên tất cả các hàng nhập khẩu từ Mexico và tăng mức thuế lên 5% mỗi tháng tới khi đạt mốc 25% vào tháng 10-2019, chừng nào Mexico vẫn chưa có những hành động cụ thể giải quyết tình trạng dòng người di cư từ khu vực Trung Mỹ ồ ạt đổ về biên giới giữa hai nước.
Mexico nhượng bộ
Theo Đại sứ Mexico tại Mỹ Martha Bárcena, chính quyền Mexico đã đồng ý sẽ "tăng cường áp dụng luật di cư" và cho biết sẽ cung cấp cơ hội việc làm, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho những di dân đang chờ ở biên giới Mexico-Mỹ. Nước này cũng đề nghị điều động hơn 6.000 binh sĩ đến biên giới trong một động thái nhằm xoa dịu ông Trump.
Theo tờ The New York Times, sở dĩ ông Andrés Manuel López Obrador phải nhanh chóng nhượng bộ và đồng ý với tất cả các điều kiện từ Tổng thống Trump để đạt được thoả thuận thương mại trong thời gian ngắn như thế là bởi ông biết rằng thế đối đầu thương mại này với Mỹ nếu kéo dài sẽ gây bất lợi đến toàn bộ nền kinh tế Mexico nói chung và hình ảnh của ông ở trong nước nói riêng.
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador trong một buổi nói chuyện với cử tri khi ông còn trong giai đoạn tranh cử. Ảnh: THE REPUBLIC
Hiện tại, tốc độ tăng trưởng của Mexico đang chậm lại, đồng peso Mexico có dấu hiệu suy yếu. Trong khi đó, Mỹ lâu nay vẫn luôn là đối tác quan trọng nhất của nước này, nên ông Andrés Manuel López Obrador không thể chỉ vì một vấn đề không liên quan như khủng hoảng di cư hai nước mà đánh mất mối quan hệ tốt đẹp này.
Đồng thời, ông cũng đã được bầu vào vị trí Tổng thống Mexico với lời hứa sẽ xua tan đói nghèo và sự bất bình đẳng và đem lại thịnh vượng cho đất nước.
Việc tỏ ra cứng rắn và đẩy Mexico vào một cuộc khủng hoảng với ít khả năng quay đầu lại như vậy sẽ phá tan những kế hoạch chấn hưng của ông và gây tổn hại đến uy tín của ông trong mắt người dân Mexico khi cho đến nay ông chỉ mới tại vị được vỏn vẹn sáu tháng.
Áp lệnh trừng phạt Mexico, Mỹ cũng tự trừng phạt chính mình
Về phía chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo ông Dan Griswold, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học George Mason (Mỹ), nếu trường hợp cả hai bên không đi đến được một thoả thuận kịp thời, và ông Donald Trump thật sự thông qua lệnh trừng phạt Mexico vào ngày 10-6, kết quả mà nó mang lại sẽ hoàn toàn khác với những gì mà ông Trump mong muốn.
"Sự trớ trêu trong quyết định của Tổng thống là, nếu như [lệnh cấm] gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của Mexico, thì nhiều người Mexico thất nghiệp hơn nữa sẽ di cư về phía Nam để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn ở đây" - Ông Griswold nói.
Ông cũng nói thêm rằng việc dùng thuế quan để ép buộc các nước khác cũng đã "không giúp mang lại bất kỳ tiến triển nào trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc"; và nếu tiếp tục được dùng để giải quyết vấn đề di cư sẽ là "một lựa chọn chính sách kì lạ".
Mặc khác, ngay chính nền kinh tế Mỹ cũng sẽ không thể "lành lặn" bước ra khỏi sự đối đầu này. Theo dự báo của Bloomberg Economics, việc thương chiến nổ ra giữa nền kinh tế Mexico-Mỹ sẽ làm gia tăng mức độ rủi ro Mỹ tiếp tục rơi vào suy thoái nặng nề, đồng thời đến năm 2021 sẽ cuốn bay 800 tỉ GDP thế giới do cả hai nền kinh tế đã quá phụ thuộc và liên kết với nhau.
"Trước mắt, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả khoảng 1.700 USD mỗi hộ ba người nếu thuế quan tăng đến ngưỡng 25%. Thực phẩm và rau củ sẽ trở nên cực kỳ đắt đỏ trên thị trường" - ông Gary Hufbauer, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định. Ông cũng cho biết, những nông dân ở Mỹ sẽ là người phải chịu thiệt hại nặng nhất và "bị bóp nghẹn" khi Mexico quyết định áp thuế đáp trả khi nước này là một trong những đối tác nhập khẩu nông sản của Mỹ nhiều nhất.
Tổng thống Donald Trump ký lệnh áp thuế nhập khẩu thép và nhôm hôm 8-3 năm 2018. Lúc này Canada và Mexico là hai nước được miễn trừ khỏi lệnh này. Ảnh: AP
Tệ hơn, khi giá cả leo thang, kinh tế Mỹ bị cảnh báo sẽ mất đến hơn 400.000 việc làm, chủ yếu ở mảng sản xuất và phân phối. Điều này, theo tờ Aljazeera, sẽ không có lợi cho ông Trump vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 2020, khi đây là khu vực cử tri ủng hộ và trung thành với ông nhất.
Hơn nữa, thông điệp của Tổng thống Mỹ mỗi khi khởi đầu thương chiến với các quốc gia khác trên thế giới luôn là nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Bây giờ, nếu cứ tiếp tục trừng phạt Mexico, ông sẽ tổn hại đến số cử tri mà ông luôn tuyên bố ông sẽ bảo vệ.
Hơn nữa, quyết định đánh thuế của ông Trump dường như cũng không thể thuyết phục nhận được sự ủng hộ của những đồng minh thuộc đảng Cộng hoà của ông trong Quốc hội Mỹ, dẫn lời chuyên gia Geoffrey Gertz thuộc Viện Brookings.
Giải pháp nào cho Trung Mỹ?
Nguyên nhân dẫn đến làn sóng di dân từ các quốc gia khu vực Trung Mỹ, mà chủ yếu là từ tam giác Guatemala, Honduras và El Salvador, thật sự rất phức tạp. Nó yêu cầu những giải pháp triệt để và lâu dài hơn chỉ đơn giản là phân bổ nguồn lực và tài nguyên như hiện tại như cách Mexico đang làm và bị Mỹ gây áp lực phải làm, dẫn nguồn từ tờ The Wall Street Journal.
Cả ba quốc gia trên hiện tại đều đang phải đối mặt với đói nghèo, tình trạng vô luật pháp, bạo lực băng đảng và tham nhũng trên diện rộng của chính quyền sở tại.
Mỹ và Mexico cần tạo ra những áp lực cần thiết và nhanh chóng lên các chính quyền của Guatemala, Honduras và El Salvador nhằm buộc họ phải có trách nhiệm hơn với công dân của mình. Đồng thời ra điều kiện sẽ cắt bỏ viện trợ nếu không nhìn thấy được tiến triển đáng kể trong nỗ lực cải tổ đất nước của ba nước. Được biết, mỗi năm Washington gửi hơn 700 triêụ USD đến khu vực này, và đã giảm xuống khoảng 500 triệu USD trong những năm gần đây.
Cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc đến hiện tại vẫn chưa thấy điểm dừng với một kết quả chắc chắn, nhiều chuyên gia cho rằng việc mà Tổng thống nên làm hiện tại là "thêm bạn bớt thù", nhất là đối với những nước đã có lịch sử hợp tác tốt đẹp với Mỹ như Mexico.