Theo tờ USNI News, kể từ ngày 4-6, đã xảy ra tới 5 vụ rơi máy bay của Lực lượng không quân Nga. Vào 4-6, xảy ra 2 vụ rơi máy bay là MiG-29 và Su-34. SU-34 là một trong những tiêm kích hiện đại nhất của Nga, chính thức được đưa vào sử dụng vào tháng 3-2014.
Tiếp sau đó, liên tục xảy ra các vụ rơi máy bay khác. Vào 8-4, máy bay ném bom Tu-95 bị cháy động cơ. Ngày 3-7, thêm một vụ rơi máy bay MiG-29, và Su-24 hôm 6-7 làm 2 phi công thiệt mạng.
Mới đây nhất, hôm 14-7 xảy ra vụ rơi máy bay ném bom Tu-95 ngay gần biên giới Trung Quốc do hỏng gần hết 4 động cơ. Vụ tai nạn này khiến Nga phải yêu cầu ngưng cất cánh toàn bộ phi đoàn Tu-95 để tiến hành kiểm tra kỹ thuật.
Những vụ tai nạn máy bay có lẽ là điều không thể nào tránh khỏi, thậm chí đối với một nền quân sự tiên tiến nhất như Nga.
Tuy nhiên, Nga liên tục xảy ra các vụ rơi máy bay như thế này cần phải lưu ý đến các lỗi hệ thống và các vấn đề xảy ra bên trong Lực lượng không quân nước này. Nguyên nhân chính có thể giải thích cho hàng loạt tai nạn trên được cho là do cường độ hoạt động quá nhiều bắt nguồn từ các cuộc tập trận trên không liên tiếp của Nga kể từ khủng hoảng Ukraine. Ngoài ra, còn do công tác bảo trì tổng quát yếu kém và trang thiết bị cũ kỹ.
Nga đã thực hiện các chuyến bay thăm dò trên toàn châu Âu, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương với tần suất không tưởng kể từ Chiến tranh lanh. Chính điều này đã gây nên sức ép lớn đối với các máy bay ném bom và các chiến đấu cơ vốn đã “già hóa” trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Và hiện Nga đang cố gắng hiện đại hóa số máy bay này.
Tiêm kích MiG-29 của Nga (Nguồn: Business Insider)
“Phần lớn các thiết bị của loại tiêm kích Su-34 đều gần “hết hạn sử dụng”. Dưới thời các Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Sergei Shoigu và người tiền nhiệm Anatoly Serdyukov, các máy bay này được sử dụng với cường độ cao”, tờ Defense News dẫn lời một nguồn tin của Nga cho biết.
“Nếu sử dụng các trang thiết bị được sản xuất cách đây nhiều năm với tần suất cao, thì dù số thiết bị đó được kiểm định đủ tiêu chuẩn thì nguy cơ xảy ra tai nạn cũng rất cao”.
Máy bay ném bom Tu-95 của Nga chính thức đưa vào sử dụng năm 1956
Vấn đề thiết bị “hết hạn” trở nên phức tạp bởi trên thực tế bản thân những bộ phận được thay thế cho máy bay cũng đang trong tình trạng sửa chữa.
“Những chiếc máy bay cũ này cần phải được bảo trì tốt, trong khi các phụ tùng thay thế khác hiện đang cất trong kho đều đã cũ kỹ” - Vadim Kozyulin, một chuyên gia quân sự của Trung Tâm Nghiên cứu chính sách của Nga cho biết.