Hãng Channel News Asia đưa tin Thủ tướng Malaysia – ông Ismail Sabri Yaakob – ngày 22-6 đã công bố khoản hỗ trợ tiền mặt bổ sung nhằm giúp các gia đình có thu nhập thấp ứng phó tình trạng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Hỗ trợ nhóm 40% có thu nhập thấp
Ngân sách năm 2022 của Malaysia có nội dung chi cho sáng kiến BKM hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho dân, chủ yếu dân có thu nhập thấp.
Thủ tướng Ismail Sabri cho biết khoản hỗ trợ tương đương 143 triệu USD sẽ được phân phối cho người dân thuộc nhóm B40 (nhóm 40% có thu nhập thấp nhất).
Thủ tướng Malaysia – ông Ismail Sabri Yaakob. Ảnh: BERNAMA |
Theo Channel News Asia, 4 triệu hộ gia đình, 1,2 triệu người cao tuổi độc thân hoặc không có bạn đời, và 3,4 triệu cá nhân độc thân dự kiến sẽ được tiếp cận khoản hỗ trợ tiền mặt bổ sung được công bố hôm 22-6.
Khoản hỗ trợ dự kiến được phân phối bắt đầu từ ngày 27-6.
“Xem xét những thách thức về chi phí sinh hoạt và giá lương thực tăng gần đây, chính phủ đã quyết định chuẩn bị khoản hỗ trợ tiền mặt bổ sung cho nhóm B40” – Thủ tướng Ismail Sabri cho biết.
“Mỗi hộ gia đình thuộc nhóm B40 sẽ nhận được thêm khoảng 23,7 USD, trong khi những người nhận đơn lẻ sẽ nhận được khoảng 11,7 USD theo khoản hỗ trợ bổ sung này” - ông Ismail Sabri nói thêm.
Điều chỉnh giá chung và trợ giá cho người nghèo
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tiêu dùng Nội địa – ông Datuk Seri Alexander Nanta Linggi - hôm 21-6 cho biết Malaysia sẽ dỡ bỏ giá trần đối với thịt gà và trứng gà từ ngày 1-7.
Tại Malaysia, giá bán lẻ tối đa áp dụng cho thịt gà tiêu chuẩn - loại gà đã qua sơ chế, được bán cả phần đầu, chân và nội tạng - hiện ở mức khoảng 2 USD/kg.
Giá bán lẻ tối đa đối với gà nguyên con - được giết mổ và làm sạch, sau đó bán không có phần chân, đầu và nội tạng - hiện ở mức 2,25 USD/kg.
Ông Nanta cho biết động thái trên nhằm ổn định nguồn cung và giá cả thực phẩm về lâu dài.
"Giá gà sẽ được thả nổi và phụ thuộc vào thị trường. Nhóm người nghèo sẽ được hỗ trợ tài chính" - ông Nanta cho hay, nói thêm rằng chi tiết về khoản hỗ trợ tài chính sẽ được Bộ Tài chính công bố.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nanta Linggi cho biết các khoản trợ giá đối với một số sản phẩm dầu ăn đóng chai loại 2kg, 3kg và 5kg sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 1-7. Từ tháng 8-2021, chính phủ Malaysia đã áp dụng chương trình trợ giá tạm thời đối với sản phẩm dầu ăn đóng chai loại 1kg, 2kg, 3kg và 5kg nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên theo Thủ tướng Ismail Sabri hôm 22-6, "chính phủ phát hiện rằng phần lớn dầu ăn đóng chai được trợ giá đã bị các bên công nghiệp và thương mại sử dụng sai mục đích và để buôn lậu”.
Do đó, chính phủ đã quyết định chấm dứt trợ giá dầu đóng chai từ ngày 1-7, vì mục tiêu ban đầu của chương trình là giúp đỡ các nhóm bị ảnh hưởng vì đại dịch, theo vị thủ tướng.
“Như vậy, sẽ chỉ duy trì việc trợ giá cho sản phẩm dầu ăn dạng gói. Chính phủ tin rằng khoản trợ cấp 60.000 tấn là đủ cho người dân sử dụng” - ông Ismail Sabri lưu ý.
Thủ tướng Ismail Sabri hôm 22-6 cho biết chính phủ vẫn đang trợ giá dầu ăn ở mức 0,91 tỉ USD cho năm 2022, cao hơn so với mức 0,12 tỉ USD vào năm 2020 và 0,53 tỉ USD vào năm 2021.
“Chính phủ trợ cấp tới 60.000 tấn dầu ăn hàng tháng, vượt quá nhu cầu thực tế của người tiêu dùng chỉ 55.000 tấn hàng tháng” - ông Ismail Sabri cho biết.
Như vậy, khoản trợ giá đối với sản phẩm dầu ăn dạng gói polybag 1 kg sẽ vẫn được giữ nguyên. Hiện mức giá đối với sản phẩm này trên thị trường Malaysia là 2,04 USD, nhưng nhóm B40 được tiếp cận với giá 0,57 USD.
Giá dầu ăn toàn cầu, gồm cả dầu cọ, đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm nay, do nguồn cung bị gián đoạn vì điều kiện thời tiết, thiếu lao động và chiến sự tại Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu hướng dương của nước này.