“Làm gì Sa Đéc (Đồng Tháp) trồng được hoa lily. Đừng có giỡn, hoa ấy chở từ Đà Lạt về đó mấy ông ơi!”. Không ít người ở Cần Thơ, Vĩnh Long ngạc nhiên khi nghe thông tin hoa lily đã trồng được ở làng hoa Sa Đéc. Họ bất ngờ cũng phải, vì lâu nay hoa này chỉ trồng được ở xứ lạnh Đà Lạt và một ít ở miền Bắc mà thôi. Mùi hương của lily thoang thoảng ngát thơm mê hoặc bao người khi nó xuất hiện trên kệ hoa chúc mừng hay trong phòng làm việc, trong nhà dịp tết đến xuân về.
Lily tỏa hương trên đất đồng bằng
Thời gian qua, một số loài hoa như dạ yến thảo, cát tường… vốn chịu nơi mát mẻ đã được thuần hóa ở cái xứ sở nóng đến vã mồ hôi quanh năm của làng hoa Sa Đéc rồi. Còn hoa xứ lạnh lily thì không dễ. Người duy nhất mày mò quyết tâm trồng hoa lily ngay trên cái xứ nóng hầm hầm này là anh Trần Văn Phương (khóm Tân Mỹ, Tân Quy Đông, Sa Đéc). “Muốn tìm trồng cây lạ, tạo một thị trường mới, hai cha con mày mò trồng thử lily. Nay đã mùa thứ tư rồi” - con trai anh Phương tên Trần Duy Phong bộc bạch.
“Trồng lily thấy vậy chớ năm ăn năm thua, nặng vốn nhưng sơ sẩy là tiêu liền. Loại này đỏng đảnh với thời tiết lắm, lạnh quá thì chậm nở, nóng quá lại nở hoa nhanh hơn. Mới rồi trồng 2.100 củ lily loại đỏ Sorbonne mà chỉ có sáu củ cho hoa, còn lại hư sạch. Tính sơ sơ mất đứt trên 40 triệu đồng! Năm đầu bỏ ra cả trăm triệu đồng, chưa kinh nghiệm hoa nở trật chìa, không đúng tết, bán huề vốn. Năm thứ hai, 2.000 chậu lily hư hao đến 30% do xử lý thuốc không đạt. Lần đó may mà phần còn lại cứu vãn gỡ vốn được. Mãi đến năm thứ ba mới đạt được 80% đó” - anh Phong nói thêm.
Có thể nói đến thời điểm này không riêng ở Đồng Tháp, mà cả cái đất ĐBSCL chỉ có duy nhất hộ anh Phương cho được hoa lily tỏa hương trên xứ nóng.
Nếu năm rồi chỉ 2.000 chậu lily thì tết Ất Mùi này Phong làm gấp bốn lần để thỏa mãn những ai mê hoa này. 8.000 chậu lily cho tết năm nay giờ đã bán khoảng 30%, giá 110.000-150.000 đồng/chậu. Anh Phong bộc bạch: “Càng thử nghiệm trên giống mới thì may rủi càng nhiều. Nhưng không dừng được, phải luôn luôn đa dạng để người ta không mua thứ này thì mua thứ khác. Người nông dân thời nay là vậy. Đừng tưởng rằng họ chỉ quanh quẩn làm cái mình có mà quên làm cái người ta cần”.
Chợ hoa xuân còn có cả chậu hoa lily của Đà Lạt, vậy làm sao phân biệt? Phong cười cười nói: “Dễ ẹt! Hoa của Đà Lạt chậu nhỏ hơn, lá hơi vàng và dễ rụng lá chân, cái hoa cuối cùng trong chùm hoa nở không đạt độ đẹp nhất, dễ rụng hoa non do sốc thời tiết chuyển từ xứ lạnh về”.
Xe tải 15 tấn chuẩn bị chuyển hoa về Hà Nội trong đêm. Ảnh: NGUYÊN VẸN
Lily thấp đã được thử nghiệm thành công. Ảnh: NGUYÊN VẸN
Hướng đến mô hình vườn hoa Keukenhof
Vùng cao nguyên có TP hoa Đà Lạt. Còn ở xứ sở đồng bằng, Sa Đéc đang được hoạch định trở thành một TP hoa mới.
Sa Đéc đang hợp tác với Hà Lan để phát triển TP hoa cho mình. Năm cán bộ đã sang Hà Lan tập huấn cho phát triển TP hoa trong tương lai. Sa Đéc đang muốn vươn tới một TP hoa theo mô hình vườn hoa Keukenhof của Hà Lan.
Anh Nguyễn Quốc Nam, Chánh Văn phòng UBND TP Sa Đéc, cho biết để sự hợp tác với Hà Lan đi vào chiều sâu, tại Sa Đéc đã ra đời Công ty Cổ phần Hoa Sa Đéc, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Rồi một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học cũng được xây dựng tại Sa Đéc cho chiến lược phát triển TP hoa này. Các doanh nghiệp từ Pháp đã đặt vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu hoa để chiết xuất hương làm nước hoa…
Ông Nguyễn Tôn Hoàng, Bí thư TP Sa Đéc, chia sẻ: “Sở dĩ chọn hợp tác với Hà Lan vì đây là đất nước xuất khẩu hoa hàng đầu thế giới. Họ không chỉ xuất khẩu hoa xứ lạnh ôn đới mà xuất khẩu cả hoa xứ nhiệt đới như ở Sa Đéc. Sa Đéc cần được chuyển giao giống, kỹ thuật, tổ chức sản xuất, kinh doanh bài bản cho người trồng hoa vốn phát triển tự phát lâu nay. Hà Lan xuất khẩu 250 tỉ euro mỗi năm. Tôi thấy dân Sa Đéc mỗi năm chỉ xuất khẩu 1 tỉ euro cũng ngon rồi”.
Ông Hoàng tâm sự rằng mới phát động xây dựng TP hoa một năm thôi mà TP đã thay đổi đến lạ. Buôn bán nhộn nhịp tăng gấp cả chục lần. Ra đường phải né xe chở hoa đó! Quả thế, những chiều cuối năm, cả một đoạn dài bên bờ sông Sa Đéc xe tải biển số đến từ Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Tây Ninh… nối nuôi nhau hối hả chuyển hoa kiểng cho kịp chuyến xe đêm. “Ngày thường nửa tháng một chuyến, tết tăng gấp ba lần. Cứ hai ngày ba đêm đưa hoa ra Hưng Yên, Hà Nội là lại quay vào Sa Đéc” - lái xe Nguyễn Duy Hưng cho biết.
Xuân như về sớm trên làng hoa Sa Đéc. Nhịp sống sau những sắc hoa lung linh rực màu đó như hối hả hơn. Hoa đã là nguồn sống, là hơi thở của người dân Sa Đéc. Ở đó họ có quyền nghĩ đến tương lai của những chuyến hoa vượt trùng khơi mang về đồng ngoại tệ mạnh làm giàu cho quê hương xứ sở như lời Bí thư Nguyễn Tôn Hoàng vậy.
Đường hoa tết có một không hai Xuân này ở Sa Đéc có một đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao mới với một ngôi làng mà ở đó nhà nhà đều có vườn hoa, người người làm hoa để du khách thưởng ngoạn. Nét riêng của đường hoa này khác với các đường hoa ở các TP khác là vậy. Khách du lịch có thể ngủ lại nhà dân để ngắm hoa và thử một lần cùng nông dân chăm sóc hoa. Tháng 8-2014, làng hoa Sa Đéc được chọn là một trong 10 làng hoa yêu thích nhất Việt Nam. 2.500 loài hoa được 2.000 hộ sản xuất tại làng hoa Sa Đéc. Nơi đây cung cấp hoa cho cả nước và ngay cả TP hoa Đà Lạt. Hoa Sa Đéc còn xuất tiểu ngạch qua các nước Campuchia, Lào, Trung Quốc. Riêng mỗi dịp tết, Sa Đéc đưa ra thị trường 20.000-30.000 sản phẩm hoa. |