Từ ngày 8-8-2014 (ngày Mỹ bắt đầu không kích) đến ngày 31-8-2016, chi phí tổng cộng cho cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria khoảng 9,3 tỉ USD.
Theo báo cáo, chi phí cho không quân tốn kém nhiều nhất, chiếm khoảng 2/3 tổng chi tiêu (5,8 tỉ USD), bao gồm chủ yếu chi phí dành cho các phi vụ không kích và huấn luyện cho quân đội địa phương. Theo số liệu chính tức, Lầu Năm Góc đã triển khai 5.260 binh sĩ Mỹ ở Iraq và khoảng vài trăm binh sĩ đặc nhiệm ở Syria.
Chi phí nêu trên bao gồm cả chi phí dành cho nhân viên, các chiến dịch, chi phí bảo trì, mua sắm vũ khí và thiết bị cùng với quỹ mang tên “Huấn luyện và trang bị cho Iraq” trị giá 600 triệu USD. Trong tổng số chi phí, đạn dược tốn hơn 2 tỉ USD, chiếm 22%. Chi phí cho hỗ trợ, hậu cần và tác chiến chiếm 36%. Trong các dịch vụ khác, chi phí chỉ huy các chiến dịch đặc biệt tốn gần 800 triệu USD.
Nhà nghiên cứu Neta Crawford ở ĐH Boston đánh giá từ năm 2001 đến nay, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã sử dụng 3.600 tỉ USD cho chiến sự ở Afghanistan, Pakistan, Iraq và Syria. Chuẩn bị cho năm 2017, Bộ Quốc phòng đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn ngân sách 59 tỉ USD cho các chiến dịch chống khủng bố ngoài nước, trong đó 8 tỉ dành cho các chương trình bí mật. Mỹ đang đứng đầu liên minh quốc tế chống IS gồm 67 nước, trong đó có 11 nước cam kết can thiệp bằng quân sự trong các chiến dịch không kích.
Cùng ngày 8-11, Reuters đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ cho biết liên quân người Kurd và Ả Rập đang tham gia chiến dịch tấn công Raqqa (căn cứ IS ở Syria) sẽ không tiến vào thành phố mà chỉ tập trung bao vây. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết tướng Mỹ Joseph Dunford đã thông báo như thế với ông.
Trong khi đó, trước nay liên quân người Kurd và Ả Rập đều bác bỏ khả năng này.
Trong chiến dịch tái chiếm Raqqa, các binh sĩ người Kurd-Ả Rập thuộc tổ chức Các Lực lượng dân chủ Syria (FDS) đã kiểm soát được hàng chục ngôi làng.
Còn tại Iraq ngày 9-11, tức ngày thứ 24 của chiến dịch tái chiếm Mosul, lực lượng dân quân người Kurd đã chiếm được Bashiqa, một trong những chốt chặn cuối cùng của IS ở cửa ngõ Mosul. Bashiqa cách Mosul 10 km về hướng đông bắc.
Tại hướng tiến quân phía đông, quân đội Iraq tiếp tục truy lùng quân IS trên từng khu nhà trong Mosul. Đà tiến quân chậm vì bọn IS kháng cự rất dữ dội bằng bọn đánh bom tự sát, xe gài bom, quân bắn tỉa, súng máy và súng cối. Quân đội cũng khó sử dụng vũ khí hạng nặng trong khu vực có dân. Bình quân mỗi ngày quân đội Iraq tiến được 400-600 m.