Cuộc gặp gỡ định mệnh
Giờ đây, người nữ y tá Nguyễn Thị Hồng Minh - chính trị viên của Đội điều trị 2 năm xưa - đã bước sang tuổi 85 tuổi. Dù sức khỏe không còn dẻo dai như trước, nhưng bà vẫn minh mẫn, đặc biệt là khi bà nói với chúng tôi về ký ức trong những ngày hoạt động kháng chiến tại chiến trường Tây Bắc. Sinh năm 1930, người con gái trẻ Nguyễn Thị Hồng Minh lớn lên trong bối cảnh đất nước chiến tranh, loạn lạc. Năm 1946, bà cùng gia đình tản cư lên Phúc Yên và nhập ngũ vào Quân y năm 20 tuổi. Bà được lãnh đạo cử vào Đội điều trị đóng tại Dốc Bùa, chân núi Tam Đảo để lãnh đạo dân công làm nhiệm vụ tiếp tế, tải thương, xây dựng lán trại và làm y tá chăm sóc, cứu chữa thương binh…
Trong hồi ức của nữ y tá, những chặng đường hành quân chiến dịch cùng những hình ảnh xót thương, đầy xúc động khi bà cứu thương cho thương binh, đồng đội hiện lên sống động. Bà Minh nhớ lại, năm 1951 bà tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Quảng Hồng. Đội đã hành quân 24 ngày mới tới mặt trận, lúc đầu hành quân ban ngày, sau địch oanh tạc nhiều, đội phải chuyển hành quân vào ban đêm.
Những ngày đầu hành quân, mọi người hăng hái đi được mỗi ngày 30 km, sau đó phần vì mỏi mệt do mang vác nặng lại hành quân đêm nên các ngày sau chặng đường hành quân giảm dần. Đội đến rừng Thùng thì phải tiếp nhận nhiều thương binh của một số đơn vị bộ đội bị máy bay địch oanh tạc bất ngờ. Thương binh nằm la liệt. Trong hoàn cảnh ấy, mọi người đều cố gắng thật bình tĩnh để phân công nhau điều trị cho đồng đội bị thương
Với bà Minh, chiến dịch Hoàng Hoa Thám cũng là chiến dịch đặc biệt, bởi nơi đây, bà không chỉ chứng kiến sự ác liệt của cuộc chiến dội vào tâm thức, giác quan của người thiếu nữ Hà Thành tuổi đôi mươi, mà đây cũng chính là nơi nữ y tá tuổi đương xuân gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với anh Hồ Toàn - một cán bộ quân y công tác cùng với bà trong đội điều trị số 2.
Mối duyên “trốn tìm”
Sau những thề nguyền, hẹn ước, hai người đồng chí, đồng đội trên chiến tuyến đã đi đến tình cảm thống nhất của một gia đình. Nữ y tá nhớ lại, tưởng chiến dịch đã kết thúc vào ngày 26.12.1951, hai gia đình đã thống nhất và gửi giấy mời cho tất cả bạn bè xa gần đến dự đám cưới. Nhưng bất ngờ đã xảy đến, sát ngày cưới, bà Minh phải lên đường nhận nhiệm vụ. “Khi đón nhận thông tin này, thú thực, tôi cũng thoáng chút phân vân, nhưng nhiệm vụ lúc bấy giờ là trên hết” - bà Minh nhớ lại.
Theo lịch đã định, ông Toàn chuẩn bị lễ cưới từ Cao Bằng về. Cơ quan của ông Toàn đã chuẩn bị lễ cưới rất thịnh soạn, có rượu nho, bánh ga tô... Đoàn đón dâu về tới nơi thì cũng liền hay tin cô dâu đã lên đường vào chiến dịch. Đón nhận lời xin lỗi chuyển vội, ông Hồ Toàn dù rất buồn nhưng vẫn viết cho người vợ tương lai một lá thư dài 23 trang bày tỏ nỗi lòng thương nhớ cùng mấy câu thơ đầy khích lệ: “Em ơi em chớ có lo! / Kiến trong miệng chén khó bò đi đâu / Vì em anh phải nhỡ tàu / Xuân này ta sẽ gặp nhau: “Em… đền!”.
Khi chiến dịch Hoà Bình kết thúc, tháng 2 năm 1952, nữ y tá Nguyễn Thị Hồng Minh vội vàng thu xếp trở về. Trong tâm trí của nữ y tá trẻ tràn ngập sự hồi hộp, vui sướng và mong mỏi trở về làm đám cưới sau lần lỗi hẹn. Trải qua 17 ngày băng rừng, vượt núi khiến cô chân sưng vù, mọc mủ nhiễm trùng về phải treo chân lên tường. Kết quả là trong ngày cưới, cô dâu không thể đi trọn đôi chân giầy. Ngày vui nhất của hai chiến sĩ nặng tình diễn ra bằng một lễ cưới ở ATK, Thái Nguyên. “Đêm tân hôn mấy chị em trong đơn vị đã lấy chăn bộ đội quây thành căn phòng nhỏ làm “buồng uyên ương” cho chúng tôi” - bà Minh nhớ lại.
Vợ chồng bà Hồng Minh sau ngày cưới (3-1952). |
Kết thúc chiến tranh, hai người lính lại bước ra cuộc đời với bao lo toan của cuộc sống, nhưng ở họ vẫn luôn giữ trọn một lòng chung thủy, son sắt. Nữ y tá năm xưa giờ đã lên chức bà nội, bà ngoại trong một gia đình hạnh phúc hiếm có giữa thủ đô. Ông Toàn giờ đã mất, nhưng mỗi khi nhắc đến chồng, bà Minh đều nhắc đến ông với những hình đẹp và tình cảm yêu thương nhất.
Vợ chồng bà Hồng Minh kỷ niệm 45 năm sau ngày cưới (1997). |
Theo BÌNH MINH (Lao Động)