Cụ thể, báo cáo trong cuộc họp do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì để tháo gỡ vướng mắc cho đường vành đai 3, 4 sáng 14-5 tại TP.HCM, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết phần giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm các địa phương.
Theo đó, ông Thể cho rằng địa phương nào làm chậm việc giải phóng mặt bằng thì phải chịu trách nhiệm với Chính phủ vì tinh thần xuyên suốt của Chính phủ là địa phương phải lo giải phóng mặt bằng, tiền giải phóng mắt bằng là của ngân sách địa phương, nếu địa phương có khó khăn thì báo cáo.
Sơ đồ tổng thể tuyến đường vành đai 3
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng cho biết có trường hợp tiền giải phóng mặt bằng tăng lên cấp số nhân thì không có ngân sách trung ương nào chịu nổi.
Ví dụ như chỉ có một đoạn vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trach) qua 4-5 năm thì tiền giải phóng mặt bằng tăng từ 148 tỉ đồng lên 1.599 tỉ đồng (tăng thêm 1.451 tỉ đồng).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho rằng hiện các địa phương rất thống nhất việc giải phóng mặt bằng do các địa phương đảm nhận.
Trên thực tế, có đoạn sử dụng PPP, có đoạn sử dụng BOT, có đoạn phải sử dụng ngân sách địa phương, có đoạn phải sử dụng quỹ đất hai bên đường… "Các địa phương phải hết sức chủ động về hình thức làm" - ông Thành nói.
Ông Thành đánh giá một trong điểm nghẽn của TP.HCM hiện là kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, trong đó gồm hai tuyến Vành đai 3, 4 chưa khép kín.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan và các địa phương để tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh dự án, đồng thời tổ chức trước giải phóng mặt bằng, tái định cư bằng nguồn ngân sách địa phương.
Trung ương có hỗ trợ nhưng trên tinh thần không nhiều, địa phương phải chủ động huy động các nguồn lực.
“Đến năm 2025 phải xong Vành đai 3, còn vành đai 4 thực hiện theo phương thức PPP, phải làm sớm” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đường Vành đai 3 dài hơn 90 km, chạy qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm bốn đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Dự án khi xây xong giúp liên kết các cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; quốc lộ 1, 22; hình thành mạng lưới giao thông liền mạch giữa TP.HCM với các tỉnh xung quanh, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Đường Vành đai 4 dài 198 km, đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Long An. Ước tính tổng mức đầu tư 100.000 tỉ đồng. Được duyệt năm 2013, tuyến vành đai này đóng vai trò chiến lược trong liên kết vùng, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tuyến đường chưa được hình thành. |