Đây là chia sẻ của TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, Phát triển bền vững” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 27-6 ở Hà Nội.
Theo đó, TS Cấn Văn Lực đưa ra ba giải pháp để thúc đầy tăng trưởng kinh tế cho năm 2017. Đó là kích cầu tiêu dùng, khai thác tiềm năng du lịch và tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp. Theo đó, nếu kích thích tăng tiêu dùng thêm 1%, nền kinh tế có thêm 38.000 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần so với con số ước tính 9.200 tỉ thu được nếu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu.
Kế đến nếu ngành du lịch tăng trưởng 30-35% năm nay ngân sách sẽ có thêm khoảng 7.000-8.000 tỉ đồng, tương đương gần bằng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Cùng với đó, cần cải cách môi trường kinh doanh, nuôi dưỡng 61.000 doanh nghiệp ra đời trong nửa đầu năm 2017, để tạo thêm nhiều việc làm và sức tiêu dùng cho nền kinh tế.
Khai thác dầu thô không còn là lợi thế của Việt Nam để kích thích tăng trưởng. Ảnh: MS
Còn TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá tiềm lực của Việt Nam phải là đạt tăng trưởng 8 – 9%. Để đạt được mức này, TS Cung cho biết trước tiên phải cải thiện hiệu quả khu vực kinh tế Nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.
Ông Cung nói:“Tiềm năng tăng trưởng nằm trong tầm tay của Chính phủ, chỉ cần chính sách đúng là có thể đạt 8 - 9% GDP chứ không phải 6,7% mà hết sức chật vật hiện nay”- Ông Cung nhìn nhận.
Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thành đến từ Đại học Fulbright Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đã bước qua quý I-2017 với mức tăng trưởng 5,1%. Đây là kết quả gây ngạc nhiên, bởi trước đó kỳ vọng chung vào thời điểm cuối 2016 là kinh tế sẽ khởi sắc hơn khi bước vào 2017. Nhưng kết quả quý I-2017 lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước.
Như vậy, Chính phủ Việt Nam hiện nay đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế.“Cuối 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho 2016 là 6,7%, nhưng kết quả cuối cùng là 6,21%. Cuối 2016, Chính phủ vẫn kiên quyết đưa ra mục tiêu 6,7% cho 2017. Nhưng với kết quả 5,1% trong quý 1 này thì 3 quý còn lại phải đạt bình quân 7%. Từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong hệ thống nhà nước đến chuyên gia bên ngoài đều hiểu rõ khả năng này gần như không thể”- Ông Thành đánh giá.