Mừng khi có bệnh viện nhi mới

“Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM cách nhà tôi không bao xa, tiện lợi hết sức. Không phải đi sớm, lại đỡ tốn tiền xe cộ” - bà Đỗ Thị Thư (56 tuổi, ở ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nói trong lúc ngồi chờ nhân viên BV điền giúp những thông tin vào phiếu khám bệnh.

Đỡ tốn tiền đi lại

Bà Thư chia sẻ: “Tôi có đứa cháu ngoại hơn tám tháng tuổi mà cứ nay ốm mai đau. Trước đây, mỗi lần cháu bệnh là tôi phải lội bộ từ nhà ra đường lộ đón xe lên BV Nhi đồng 1 ở tuốt quận 10 (TP.HCM), vừa mất thời gian vừa tốn tiền xe. Nhiều lúc mới 4 giờ, gà vừa gáy tôi đã quày quả đón xe, vậy mà lên tới trển (BV Nhi đồng 1 - PV) trời đã sáng trưng”.

“Đâu chỉ vậy, BV lúc nào cũng đông bệnh nhi. Trong lúc ngồi chờ tới lượt khám, nghe cháu ngoại khóc vì mỏi mệt, mồ hôi mồ kê ướt lưng áo, tôi sốt cả ruột. Nhiều lúc khám xong trời đứng bóng, bà cháu lật đật đón xe về nhà dưới cái nắng chang chang” - bà Thư trải lòng.

Sáng 17-1, do cháu ngoại đau họng nên bà Thư đưa tới khám tại BV Nhi đồng TP.HCM.

Tay chân lọng cọng do không quen cầm viết, chữ nghĩa lại không rành nên bà Thư được nhân viên của BV điền giúp thông tin vô phiếu khám bệnh. “Nhân viên ở đây lịch sự lắm, thấy tôi và những người khác đi tới liền cúi đầu chào” - bà Thư nói.

Mặt trước BV Nhi đồng TP.HCM. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Dược sĩ Huỳnh Huy Vũ đang tư vấn cách cho con uống thuốc cho ông Phan Hồng Vũ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tận dụng “thời gian vàng”

Vừa vỗ về cậu con trai hai tuổi, bà Mai (34 tuổi, ở ấp 5, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) vừa nói: “Đang ngủ, tôi giật mình khi nghe hơi thở của con quá nhanh, nhịp lại không đều. Nhìn kỹ, tôi thấy da con màu tím nhạt, kể cả da đầu ngón tay và ngón chân. Ba chân bốn cẳng tôi kêu chồng lấy xe chở hai mẹ con tới BV Nhi đồng TP.HCM”.

Bác sĩ (BS) chẩn đoán con bà bị suy hô hấp. Nếu bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời dễ có nguy cơ ngưng thở, trụy tim mạch, thậm chí tử vong. “Do từ nhà tới BV Nhi đồng TP.HCM chỉ độ năm phút nên tôi đưa con tới vừa kịp lúc. Nếu không có BV này, buộc lòng tôi phải đưa con lên tuốt BV Nhi đồng 1 hoặc Nhi đồng 2” - bà Mai cho biết.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM, nhận định: “Không ít trường hợp bệnh nhi nguy kịch đã tử vong do mất thời gian vàng trong cấp cứu vì quãng đường di chuyển từ nhà tới BV Nhi đồng 1 hoặc Nhi đồng 2 quá xa, lại hay kẹt xe. Thực trạng trên sẽ không còn khi BV Nhi đồng TP.HCM đi vào hoạt động”.

Bác sĩ BV Nhi đồng TP.HCM đang khám bệnh cho  một bệnh nhi. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nhân viên BV điền thông tin vào phiếu khám bệnh cho cháu  của bà Đỗ Thị Thư. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bệnh nhi nhận được dịch vụ tương đương

BS Nguyễn Minh Tiến cho biết trong ngày hoạt động đầu tiên (16-1), BV Nhi đồng TP.HCM tiếp nhận hơn 80 bệnh nhi. Trong đó có ba trường hợp cấp cứu.

Riêng sáng 17-1, BV tiếp nhận gần 70 bệnh nhi. “Đa phần bệnh nhi cư ngụ trên địa bàn huyện Bình Chánh. Có lẽ do mới đi vào hoạt động nên cha mẹ bệnh nhi ở các tỉnh miền Tây chưa biết” - BS Tiến nói.

Theo BS Tiến, phụ huynh và bệnh nhi ở huyện Bình Chánh cùng các tỉnh miền Tây hưởng lợi rất nhiều từ BV Nhi đồng TP.HCM.

“Cha mẹ không phải thức khuya dậy sớm để đưa con lên BV Nhi đồng 1 hoặc Nhi đồng 2, chi phí đi lại tốn kém. Điều quan trọng là bệnh nhi không phải chờ đợi lâu mới tới lượt khám như ở BV Nhi đồng 1 hoặc Nhi đồng 2. Bên cạnh đó, các cháu vẫn nhận được những dịch vụ tương đương như ở BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 khi khám ở BV Nhi đồng TP.HCM” - BS Tiến chia sẻ.

TS-BS Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM, cho biết BV Nhi đồng TP.HCM còn là cơ sở nghiên cứu khoa học, trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y, bác sĩ chuyên khoa nhi cho TP.HCM và khu vực phía Nam theo mô hình viện-trường dựa trên tiêu chuẩn quốc tế. Điều này sẽ giúp tình trạng quá tải của BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 được giảm tải một cách có hiệu quả. Đồng thời, BV ra đời còn là cơ hội cho bệnh nhi TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ tiếp cận điều trị y khoa kỹ thuật cao ngang tầm khu vực và thế giới.

 

BS NGUYỄN THANH HÙNG, Giám đốc BV Nhi đồng 1:

“Giúp giảm tải cho  2 BV Nhi đồng 1, 2”

BV Nhi đồng TP chính thức đi vào hoạt động là một trong những thành công đáng mừng của ngành y tế. Với vị trí giáp ranh các tỉnh miền Tây, đồng thời nằm ở các huyện xa TP, BV Nhi đồng TP sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho các bệnh nhi có điều kiện khám chữa bệnh tại đây. Không những thế, việc đưa vào hoạt động BV Nhi đồng TP sẽ là tiền đề từng bước hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế tại các cụm cửa nhỏ, giúp y tế phía Nam ngày một phát triển hơn.

Để BV Nhi đồng TP thể hiện được hết vai trò của mình, cần có thời gian ít nhất là sáu tháng nhưng hiện tại lợi ích trước mắt chúng ta nhìn thấy là BV Nhi đồng TP sẽ gánh bớt một lượng bệnh nhi ở các huyện như Bình Chánh, Hóc Môn… và các bệnh nhi ở các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang...; phần nào giúp giảm tải cho BV tuyến trung ương và BV tuyến cuối như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2. Đồng thời tạo điều kiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các BV.

_______________________________

BV Nhi đồng TP.HCM tại 15 Võ Trần Chí, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TP.HCM) được xây dựng trên diện tích hơn 12,4 ha, có quy mô 1.000 giường. Khoa Khám bệnh hoạt động với 102 phòng khám, trong đó có 204 bàn khám với đầy đủ chuyên khoa: Nội, ngoại, tai mũi họng, mắt, dinh dưỡng, tiêm chủng. Khoa Cấp cứu với 20 giường và trang thiết bị hiện đại, ngoài ra còn có 20 giường lưu bệnh điều trị trong ngày. Dự kiến sang quý II-2017, BV sẽ triển khai công tác tiếp nhận điều trị bệnh nhân nội trú và hoạt động toàn bộ dự án.

Được biết đây là BV nhi hiện đại nhất nước hiện nay và là BV được đầu tư lớn nhất khu vực phía Nam kể từ sau năm 1975 với 4.200 tỉ đồng vốn được Chính phủ đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm