Ngày 24-10, hãng tin Reuters dẫn cảnh báo của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price rằng Nga sẽ chịu những hậu quả nghiêm trọng nếu sử dụng "bom bẩn" hay bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào trong xung đột Nga-Ukraine, nhưng không nói rõ những hậu quả mà Nga sẽ chịu là gì.
Theo đó, trước những cáo buộc của Nga về việc Ukraine đang có kế hoạch sử dụng “bom bẩn”, Mỹ cho rằng đây là cái cớ mà Nga sử dụng để leo thang chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong tuyên bố chung ngày 23-10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết họ bác bỏ cáo buộc của Moscow rằng Kiev đang có kế hoạch sử dụng "bom bẩn", đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ Ukraine trong xung đột Nga-Ukraine.
Một sân chơi ở TP Mykolaiv (miền nam Ukraine) bị tên lửa phá hủy ngày 23-10. ẢNH: AP |
“Bom bẩn” là 1 thuật ngữ dùng để chỉ những loại vũ khí sử dụng chất nổ thông thường trộn với vật liệu hạt nhân dưới dạng bột hoặc viên và có khả năng phát tán phóng xạ trên phạm vi rộng lớn. Theo Reuters, “bom bẩn” có thể gây nhiễm phóng xạ lớn cho Ukraine và nhiều nước châu Âu nếu nó được sử dụng trong xung đột Nga-Ukraine.
Trong khi đó, theo đài RT, Nga dự định sẽ phát biểu trực tiếp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) trong ngày 25-10, cáo buộc rằng Ukraine đang có kế hoạch cho một cuộc tấn công bằng “bom bẩn”, đồng thời thúc giục Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cần khẩn trương ngăn chặn kế hoạch này của chính quyền Kiev.
Theo RT, Đại sứ của Nga tại LHQ - ông Vassily Nebenzia đã gửi cho ông Guterres 1 lá thư với nội dung cáo buộc Ukraine đang có kế hoạch sử dụng “bom bẩn”, đồng thời trong thư ông còn viết Nga sẽ coi việc sử dụng “bom bẩn” của Ukraine là 1 hành động khủng bố hạt nhân.
Trong khi đó, ngày 24-10, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết họ chuẩn bị cử 2 thanh sát viên tới kiểm tra 2 địa điểm của Ukraine, gồm 1 nhà máy khoáng sản ở tỉnh Dnipropetrovsk của Ukraine và Viện nghiên cứu hạt nhân ở Kiev, trước cáo buộc của Moscow về việc Kiev đang có kế hoạch sử dụng “bom bẩn”, theo Reuters.
IAEA còn cho biết thêm mục đích của chuyến đi này là để kiểm tra xem có bất kỳ hoạt động của việc sản xuất hạt nhân được triển khai tại 2 địa điểm trên hay không.