Hãng Reuters dẫn lời ông Kurt Campbell - điều phối viên Nhà Trắng phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – ngày 23-6 cho biết Mỹ sẽ tăng cường cam kết cấp cao với các đảo quốc Thái Bình Dương, trong bối cảnh Washington tăng cường can dự tại khu vực chiến lược quan trọng này nhằm đối trọng Trung Quốc.
Ông Campbell cho biết Washington cần nhiều cơ sở ngoại giao hơn trong khu vực và tiếp xúc nhiều hơn với các đảo quốc Thái Bình Dương.
Ông Kurt Campbell - điều phối viên Nhà Trắng phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ảnh: REUTERS |
Trao đổi tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), ông Campbell cho biết: “Quý vị sẽ thấy nhiều quan chức cấp nội các hơn, nhiều quan chức cấp cao hơn, đến Thái Bình Dương”.
"Chủ quyền là trọng tâm trong cách chúng tôi nhìn nhận Thái Bình Dương nói chung. Bất kỳ sáng kiến nào gây tổn hại hoặc đặt ra câu hỏi về chủ quyền, tôi nghĩ chúng tôi nên lo ngại" – ông Campbell nói.
Theo ông Campbell, Fiji sẽ là một trong những "trung tâm" trong cam kết của Mỹ.
"Lời của chúng ta sẽ chẳng là gì ở Thái Bình Dương nếu không có Thái Bình Dương... Chúng tôi không coi những ràng buộc này là điều hiển nhiên" - ông Campbell nói, thừa nhận rằng Washington đã có lúc không quan tâm đúng mức đến các đảo quốc này.
Theo bà Monica Medina – trợ lý thư ký tại Cục Đại dương, môi trường quốc tế và các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, các lĩnh vực mà các đảo quốc Thái Bình Dương đặc biệt cần hỗ trợ gồm ứng phó biến đổi khí hậu và chống nạn đánh bắt cá bất hợp pháp.
Cũng tại sự kiện hôm 23-6, ông Satyendra Prasad - đại sứ và đại diện thường trực của Fiji tại Liên Hợp Quốc – cho hay: “Người dân Thái Bình Dương và chính phủ sẽ hoan nghênh mối quan hệ đối tác lâu dài với Mỹ”.
Đại sứ Samoa tại Liên Hợp Quốc – ông Fatumanava-o-Upolu III Pa'olelei Luteru – cho biết cần phải xem liệu hiệp ước về cá ngừ giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương có thể được mở rộng thành một hiệp định thương mại rộng lớn hơn hay không.
Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết tăng cường nguồn lực cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hợp tác về kinh tế, quân sự với các đảo quốc tại khu vực.
Trung Quốc và Quần đảo Solomon hồi tháng 4 thông báo ký một hiệp định hợp tác chiến lược, với những đồn đoán về việc xây dựng một căn cứ quân sự của Bắc Kinh tại quần đảo này, dù đảo quốc Nam Thái Bình Dương bác bỏ việc xây dựng này.
Động thái trên đã khiến nhiều nước trong khu vực như Úc, New Zealand và Mỹ quan ngại.
Hồi tháng 2, Mỹ tuyên bố sẽ mở đại sứ quán ở Quần đảo Solomon, một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm cam kết thêm nguồn lực ngoại giao và an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với mục đích đối phó nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.