Tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 22-5 cho biết các quan chức quân sự và ngoại giao Mỹ đang tranh luận về việc có nên gửi Lực lượng Đặc biệt đến Ukraine để bảo vệ đại sứ quán của họ ở Kiev hay không.
WSJ dẫn một nguồn tin ẩn danh cho hay Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đang trong quá trình lên kế hoạch sơ bộ để triển khai hàng chục lính đặc nhiệm đến Kiev nếu cần.
Và cho đến nay, chưa có đề xuất chính thức nào được chuyển đến Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hay Tổng thống Joe Biden.
Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: AP |
Đây là một động thái mà chính quyền Tổng thống Biden phải xem xét lựa chọn kỹ giữa việc đảm bảo sự an toàn cho các nhân viên ngoại giao với việc khiến căng thẳng leo thang hơn nữa khi điều Lực lượng Đặc biệt đến Ukraine.
Nếu ông Biden quyết định ký chấp thuận đề xuất này, Mỹ sẽ ngay lập tức triển khai quân đội đến để bảo vệ đại sứ quán ở Kiev, nơi nằm trong tầm bắn tên lửa của Nga. Đây được xem là một động thái chắc chắn sẽ thay đổi hoàn toàn lời hứa của ông Biden trước đó về sự hiện diện quân sự của họ ở Ukraine, rằng sẽ không có lính Mỹ nào được điều đến quốc gia này.
Theo WSJ, Nhà Trắng đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng vào các nhân viên ngoại giao, đảm bảo đủ lực lượng để sơ tán họ nếu giao tranh nổ ra ở Kiev trong khi lo ngại rằng Nga sẽ trả đũa việc Mỹ điều quân đến Ukraine.
“Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với các đồng nghiệp của chúng tôi tại Bộ Ngoại giao về các yêu cầu an ninh tiềm ẩn khi họ nối lại hoạt động tại đại sứ quán ở Kiev” - phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố.
“Tuy nhiên, hiện tại chưa có quyết định nào được đưa ra, và không có đề xuất cụ thể nào được tranh luận ở các cấp cao của bộ về việc điều lực lượng quân đội Mỹ đến Ukraine vì mục đích đó hay bất kỳ mục đích nào khác” - ông nói thêm.
Một số quan chức Mỹ dự đoán rằng sự hiện diện của Mỹ tại Ukraine trong tương lai sẽ tùy thuộc vào diễn biến của cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Bên cạnh đó, WSJ cho hay số lượng nhà ngoại giao Mỹ quay trở lại Kiev sẽ khá ít và việc di chuyển các quan chức cùng gia đình của họ trở lại Ukraine sẽ tốn nhiều thời gian và nguồn lực.
Theo một số nguồn tin, việc Mỹ mở cửa lại đại sứ quán của mình ở Ukraine sẽ là một lợi thế rõ ràng vì các nhân viên Mỹ có thể trực tiếp liên lạc với chính quyền Ukraine, giám sát việc phân phối hàng tỉ USD vũ khí viện trợ và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật.