Theo tờ The Washington Post, cuộc điện đàm giữa ông Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov dựa trên các báo cáo hồi cuối tuần rằng ít nhất hai máy bay của Không quân Nga chở một quan chức quốc phòng cấp cao và khoảng 100 binh sĩ đã hạ cánh tại sân bay chính của Venezuela hôm 23-3.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga, Cuba và những nước ủng hộ chính quyền của ông Maduro đã can thiệp và hậu thuẫn cho quyền lực của đương kim Tổng thống Maduro.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho rằng việc Nga tiếp tục đưa các nhân viên quân sự nhằm hỗ trợ ông Maduro "kéo dài sự đau khổ của người dân Venezuela". Ông kêu gọi Nga chấm dứt hành vi thiếu tính xây dựng và cùng với các quốc gia khác tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Venezuela.
Máy bay mang cờ Nga tại sân bay Simon Bolivar ở Caracas, Venezuela. Ảnh: REUTERS
Bộ Ngoại giao Nga cho biết cuộc gọi đã diễn ra theo sáng kiến của ông Pompeo nhằm bày tỏ mối quan tâm đến các “vấn đề cụ thể” liên quan đến Venezuela và Syria.
Ông Lavrov nhấn mạnh những nỗ lực của Washington trong việc tổ chức một cuộc đảo chính ở Venezuela và các mối đe dọa chống lại chính phủ hợp pháp của nước này là hành vi vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.
Ông Trump đã nhiều lần nói rằng “tất cả các lựa chọn”, bao gồm can thiệp quân sự, đều được đặt trên bàn nhằm đối phó với Venezuela.
Nhưng giới chức Mỹ cho hay không có kế hoạch sử dụng lực lượng quân sự trong hiện tại và chính sách của Washington tập trung vào việc gây sức ép ngoại giao và kinh tế thông qua các biện pháp trừng phạt. Đầu tháng này, chính quyền Mỹ đã sơ tán nhân viên ngoại giao ra khỏi Venezuela.
Đã có một số báo cáo chưa được kiểm chứng trong những tuần gần đây về sự hiện diện của quân đội Nga và một số lính đánh thuê ở Venezuela. Hôm 23-3, các phóng viên địa phương ở thủ đô Caracas ghi nhận có một máy bay Nga chở 100 binh sĩ và tham mưu trưởng lực lượng bộ binh Nga Vasily Tonkoshkurov.
Một số trang web theo dõi chuyến bay cho biết các máy bay đã cất cánh từ các sân bay quân sự Nga.
Nga không đưa ra bình luận chính thức nào về các chuyến bay nói trên, dù hãng tin Sputnik hôm 23-3 dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên ở Venezuelanói rằng các nhân viên quân sự Nga đã đến Venezuela để tham gia các cuộc tham vấn song phương với chính quyền của ông Maduro.
Vào tháng 12-2018, Nga đã gửi hai máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới Venezuela trong vài ngày để tham gia vào các cuộc tập trận chung.
Nga và Trung Quốc đã ngăn chặn các đề xuất của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc về các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Venezuela.
Kể từ khi ông Hugo Chavez được bầu làm tổng thống Venezuela vào năm 1999, Nga đã trở thành nhà cung cấp quân sự chính của Venezuela. Dưới thời ông Maduro, Moscow đã gia hạn hàng tỉ USD khoản vay cho Caracas, phần lớn được thỏa thuận sẽ trả nợ bằng dầu của Venezuela.
Rosneft, người khổng lồ trong ngành dầu mỏ thuộc sở hữu của chính phủ Nga, đã cung cấp cho Tổng thống Maduro lượng tiền mặt đủ để đồng sở hữu ít nhất năm mỏ dầu của Venezuela.