Hãng Reuters đưa tin Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 2-12 đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ trước "các hành động đơn phương và có vấn đề" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hai bên cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải liên hệ chặt chẽ để quản lý "sự cạnh tranh có hệ thống" với Bắc Kinh.
Tuyên bố chung trên được đưa ra sau cuộc hội đàm tại Washington giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - bà Wendy Sherman và ông Stefano Sannino - Tổng thư ký Cơ quan đối ngoại EU.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và Tổng thư ký Cơ quan đối ngoại EU Stefano Sannino tại cuộc đối thoại hồi tháng 5 ở Brussels, Bỉ. Ảnh: US.EU
Tuyên bố "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ và EU duy trì các mối liên hệ liên tục và chặt chẽ về các phương pháp tiếp cận tương ứng trong các vấn đề đầu tư và phát triển nền kinh tế, cũng như quản lý sự cạnh tranh có hệ thống với Trung Quốc một cách có trách nhiệm".
Theo tuyên bố, hai bên bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về các hành động đơn phương và có vấn đề của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như eo biển Đài Loan.
Các hành động này được cho là phá hoại hòa bình và an ninh trong khu vực và tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của cả Mỹ và Liên minh châu Âu, tuyên bố nêu thêm.
Phía Mỹ và EU cũng đã thảo luận về vấn đề Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong.
Theo Reuters, cuộc hội đàm giữa hai quan chức Mỹ, EU là sự kiện tiếp nối cuộc họp lần thứ hai của Đối thoại Mỹ-EU về Trung Quốc được thành lập trong năm nay.
Ngày 3-12, bà Sherman và ông Sannino sẽ đồng chủ trì tham vấn cấp cao Mỹ-EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trong việc đẩy lùi sức mạnh ngày càng tăng và hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Trước thềm cuộc hội đàm hôm 2-12, một quan chức Mỹ cho biết Washington và Brussels ngày càng có quan điểm chung về "hành vi đáng quan ngại" của Trung Quốc.
Ở một diễn biến khác, Reuters dẫn lời Phó Đô đốc Herve Blejean – người đứng đầu Bộ Tham mưu Quân sự của EU - cho biết cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để "bày tỏ mong muốn mạnh mẽ của chúng tôi nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế trên biển trước các chính sách chiếm giữ trên thực tế (de facto) mà chúng tôi thấy tại Biển Đông".
Ông Blejean đưa ra phát ngôn trên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Theo ông Blejean – đồng thời là phó đô đốc hải quân Pháp, Pháp là một cường quốc ở Thái Bình Dương và các thành viên EU khác là Đức, Hà Lan và Đan Mạch cũng quan tâm đến khu vực này.
"Chúng ta phải xem xét cách cùng nhau gửi thông điệp đó, vì khi tất cả chúng ta đoàn kết, sức mạnh của thông điệp sẽ mạnh hơn, tương tự với cách chúng ta tương tác với các quốc gia cùng chí hướng - Úc, Mỹ, Nhật, các nước ASEAN và hơn thế nữa".
Ông Blejean cho biết EU có thể xem xét việc thành lập "Khu vực lợi ích hàng hải" ở Biển Đông, sau khi triển khai một dự án thí điểm về việc điều phối sự hiện diện trên biển của các quốc gia thành viên EU ở Vịnh Guinea của châu Phi và một dự án khác đang được xem xét ở phía bắc Ấn Độ Dương.