Mỹ mở rộng hợp tác ở châu Phi

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi kéo dài trong ba ngày đã khai mạc tại Washington, D.C. hôm 4-8 (giờ địa phương). Báo chí quốc tế đánh giá hội nghị này mang tính chất lịch sử bởi đây là hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi đầu tiên tổ chức ở Mỹ.

Tham dự hội nghị có Tổng thống Obama với gần 50 nguyên thủ quốc gia châu Phi và hàng trăm chủ doanh nghiệp. Trung Phi, Zimbabwe, Sudan và Eritrea không được mời.

Reuters đưa tin theo chương trình thì không có cuộc gặp song phương nào được dự kiến.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết Ebola hoành hành chưa từng thấy ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Vì lẽ đó, hai tổng thống của Liberia và Sierra Leone không dự hội nghị mà ở nhà lo chống dịch.

Trang web Jeune Afrique đưa tin hội nghị sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề then chốt: Thương mại và đầu tư; an ninh, phát triển dân chủ và quản lý nhà nước ở châu Phi.

Binh sĩ canh gác bên ngoài nơi thiêu xác bệnh nhân nhiễm Ebola ở Monrovia (Liberia). Ảnh: EPA

Về thương mại và đầu tư, Mỹ hy vọng phát triển kinh tế ở châu Phi, khu vực được Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng cao (5,8% năm 2015). Trong khi đó, Mỹ chỉ đứng hàng thứ ba về trao đổi thương mại với châu Phi sau Liên minh châu Âu và Trung Quốc.

AFP ghi nhận dù Nhà Trắng bảo đảm sáng kiến thúc đẩy hợp tác với châu Phi không phải là đòn phản ứng trước làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc ở châu Phi, dù vậy lời lẽ của Mỹ đã chứng minh ngược lại.

Phát biểu trên báo The Economist (Anh) ngày 2-8, Tổng thống Obama nói: Lời khuyên của tôi với các nhà lãnh đạo châu Phi là phải chắc chắn khi Trung Quốc xây cầu đường thì một đằng họ phải thuê lao động châu Phi, đằng khác đường không chỉ nối liền từ các mỏ đến cảng đưa về Thượng Hải mà các chính phủ châu Phi phải có quyền yêu cầu các cơ sở hạ tầng ấy phải mang lại lợi ích về lâu về dài”.

Về an ninh, hiện nay Mỹ không khỏi lo ngại trước hoạt động của các tổ chức khủng bố ở châu Phi như Al Qaeda ở Bắc Phi Hồi giáo, Boko Haram, Al Shabaab hay tình hình nội chiến ở Nam Sudan.

Do đó, Mỹ quan tâm đến vấn đề củng cố năng lực của các nước châu Phi để các nước duy trì hòa bình và giải quyết xung đột.

Tổng thống Cameroon Paul Biya mong muốn nhân hội nghị này thảo luận với Nigeria, Niger và Chad thiết lập một chiến lược khu vực chung để chống Boko Haram.

Theo báo Financial Times (Anh), Mỹ muốn nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần này “để lấy lại thời gian đã mất ở châu Phi” nhằm đối phó với các nền kinh tế mới nổi.

Báo Business Day (Nigeria) giải thích đây là cơ hội để Mỹ thảo luận với các nguyên thủ quốc gia và các doanh nghiệp châu Phi về các chiến lược mới trong thương mại và đầu tư.

Trang web IOL (Nam Phi) nhắc đến tuyên bố của Tổng thống Obama rằng tình hình ổn định của thế giới ngày mai phụ thuộc vào các tiến bộ mang đến cho lục địa nghèo nhất thế giới.

HOÀNG DUY

- Ngày 4-8, văn phòng thủ tướng Hàn Quốc thông báo sẽ tăng cường kiểm soát đối với công dân trở về từ các nước có dịch Ebola. Trước đó, ba sinh viên Nigeria đến dự hội thảo quốc tế ở ĐH Seoul đã không được nhập cảnh.

- Ba nước Tây Phi Guinea, Liberia và Sierra Leone đã quyết định lập vành đai y tế xung quanh vùng tập trung phát dịch Ebola ở biên giới ba nước.

- Hai công dân Mỹ nhiễm Ebola đã lần lượt được đưa về Mỹ. Nữ bác sĩ Nancy Writebol được đưa về Mỹ hôm 4-8 và bác sĩ Kent Brantly về Mỹ hai hôm trước. Cả hai làm việc cho tổ chức nhân đạo Samaritan’s Purse ở Liberia.

________________________________________

Nếu nước Mỹ của ông Obama muốn giúp thì nên giúp chúng tôi thu hồi lại tài nguyên đã bị các nhà lãnh đạo tham nhũng và các đối tác nước ngoài bóc lột trong nhiều năm qua.

Báo LEADERSHIP (Nigeria)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm