Trong tuyên bố đưa ra ngày 19-6, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết quân đội nước này sẽ cho tăng viện thêm một tiểu đoàn tên lửa phòng không Patriot, các máy bay do thám không người lái, máy bay trinh sát có người lái và “một số năng lực răn đe khác” đến Trung Đông, theo hãng tin Reuters. Trước đó một ngày, Lầu Năm Góc thông báo sẽ triển khai bổ sung 1.000 quân đến khu vực này để làm nhiệm vụ trinh sát và hỗ trợ các lực lượng đóng tại đây. Đây là những động thái quân sự mới nhất của Mỹ tại Trung Đông trước căng thẳng leo thang trong quan hệ với Iran.
Iran cùng ngày cũng tuyên bố nước này vừa bắn rơi một máy bay do thám không người lái của Mỹ trên bầu trời tỉnh Hormuzgan và gọi đây là “thông điệp gửi tới Mỹ”, theo hãng tin Sputnik. Tuy nhiên, tuyên bố này đã bị phát ngôn viên Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, ông Bill Urban, phủ nhận.
Mỹ - Tuyên bố không đi đôi với hành động?
Trước đó, vào ngày 13-6, ở thời điểm tưởng chừng như các bên trong cuộc đã đồng ý xuống thang xung đột và mở lại đàm phán trong hòa bình, bắt đầu bằng chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Tehran với vai trò trung gian nhằm xoa dịu căng thẳng, hai tàu chở dầu ở vịnh Oman thuộc biển Ả Rập khi đang trên đường từ vịnh Ba Tư đi qua eo biển Hormuz bất ngờ bị tấn công bằng mìn và ngư lôi gây thiệt hại nặng.
Sự việc này một lần nữa đặt quan hệ Mỹ-Iran trước bờ vực chiến tranh khi Washington và đồng minh chính trong khu vực là Saudi Arabia lập tức trưng bằng chứng và cáo buộc chính Iran đứng sau vụ tấn công, mặc cho nước này khăng khăng phủ nhận, thậm chí tố ngược lại Washington đã dàn dựng nhằm viện cớxâm lược nước cộng hòa Hồi giáo.
Theo ông David Desroches, cựu chỉ huy các chiến dịch của NATO ở Lầu Năm Góc, các động thái bổ sung quân của Mỹ thật sự chỉ là “một biện pháp không đáng kể” và không thể coi đây là nhằm chuẩn bị cho chiến tranh. “Động thái này là nhằm để gửi đi một thông điệp nhưng chưa đến mức có thể gọi là một cuộc xâm lược hay một cuộc chiến tranh” - hãng tin Al Jazeera dẫn lời ông Desroches cho biết.
Một đơn vị pháo binh của Mỹ hoạt động tại Iraq. Ảnh: REUTERS
Nói với hãng tin AP ngày 18-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng khẳng định trái với tuyên bố triển khai thêm quân ở Trung Đông của Lầu Năm Góc, Mỹ thật sự không tìm cách gây chiến với Iran. “Tổng thống Trump không muốn chiến tranh với Iran, chúng tôi sẽ tiếp tục phát đi thông điệp này trong khi làm mọi cách để bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực” - ông nói, đồng thời cho biết Mỹ sẵn sàng phản ứng trước bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào lợi ích của Mỹ hoặc cản trở tuyến vận tải hàng hải quốc tế qua Trung Đông.
Tuy vậy, theo tờ The New York Times ngày 19-6, cũng chính Ngoại trưởng Pompeo đang cố thuyết phục và trình ra bằng chứng chứng minh với Quốc hội Mỹ rằng Iran có “mối liên hệ đáng báo động” với tổ chức khủng bố Hồi giáo al-Qaeda, một động thái làm dấy lên câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Trump có đang tìm cách dùng lý do chống khủng bố để tiến hành xâm lược Iran hay không.
Theo PV chiến trường Trung Đông lâu năm của đài CNN Benjamin C. Wedeman, một cuộc chiến trực diện với Iran sẽ không diễn ra giống như cuộc xâm lược chớp nhoáng Iraq năm 2003 do Iran hiện có tiềm lực cả về kinh tế lẫn quân sự trong khu vực, trái ngược với tình cảnh trì trệ và nghèo đói của Iraq lúc đó. Một cuộc tấn công phủ đầu Iran, ông Wedeman nhận xét có thể sẽ khiến Washington chuốc lấy thất bại.
Rất có thể Tổng thống Donald Trump sẽ bị thao túng mà tiến đến chiến tranh với Iran bởi các quan chức có quan điểm “diều hâu” hơn bên cạnh như Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn an ninh Quốc gia John Bolton - những người được cho là có thể tận dụng tính khí khó đoán của chủ nhân Nhà Trắng để khích ông hạ lệnh tuyên chiến. Chuyên gia PAUL WALDMAN viết trên tờ The Washington Post |
Quốc tế lo ngại, đồng minh nghi ngờ
Đối với cộng đồng quốc tế, một cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran nổ ra trong tương lai gần sẽ là một viễn cảnh không mong muốn, nhất là đối với những quốc gia có lợi ích trực tiếp gắn liền với khu vực Trung Đông.
Tại buổi họp báo ngày 18-6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ lo ngại trước những diễn biến gần đây ở vùng Vịnh và kêu gọi các bên kiềm chế. Bắc Kinh đang là đối tác chiến lược của Tehran khi có đến 30% số dầu xuất khẩu của Iran chảy về Trung Quốc. “Mỹ nên thay đổi phương pháp gây áp lực cực đoan của mình. Mọi hành động đơn phương đều không có căn cứ theo luật pháp quốc tế” - ông nói, đồng thời cảnh báo hành động triển khai quân của Mỹ có thể “tạo ra khủng hoảng lớn hơn” và nhận định cách duy nhất để giảm căng thẳng chỉ là thông qua thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, theo hãng tin AFP. Hôm 17-6, Tehran tuyên bố sẽ tăng dự trữ uranium nếu các bên không thực hiện cam kết theo thỏa thuận trong 10 ngày. “Chúng tôi hy vọng Iran thận trọng khi ra quyết định và không từ bỏ thỏa thuận này” - ông Vương cho biết.
Đồng quan điểm với ông Vương, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov chỉ trích Washington phải chịu trách nhiệm về những xung đột với Iran khi ông cho rằng Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh về rủi ro trong cách hành xử “thiếu sáng suốt và liều lĩnh” khiến căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
“Ngay bây giờ, điều mà chúng ta chứng kiến là những hành động liên tục trong một thời gian dài của Mỹ nhằm tăng áp lực chính trị, tâm lý, kinh tế và quân sự đối với Iran một cách khiêu khích. Không thể diễn giải những hành động đó theo cách nào khác ngoài một chương trình hành động chủ đích kích động chiến tranh” - ông Ryabkov nói, đồng thời nhận định Mỹ cần chấm dứt ý định gia tăng hiện diện quân sự tại vùng Vịnh cũng như các hành động khiêu khích Iran nếu Washington thật sự không muốn chiến tranh nổ ra.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU), vốn lâu nay hiếm khi bày tỏ ý kiến trái ngược với các quyết định của Mỹ, mới đây đã bất ngờ lên tiếng tỏ ý nghi ngờ về những bằng chứng được trưng ra cho cáo buộc Iran đã tấn công hai tàu chở dầu, kêu gọi không nên kết luận quá sớm về vụ việc và cho biết họ đang xem xét các hình ảnh nói trên.
Một cuộc chiến Mỹ-Iran, nếu có, sẽ diễn ra như thế nào? Theo chuyên gia phân tích quân sự Jonathan Marcus của đài BBC, một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran nhiều khả năng sẽ do lực lượng không quân và hải quân hai nước trực tiếp đảm trách, trong khi các lực lượng trên bộ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng phải hết sức lưu ý Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran với khả năng mở rộng chiến tranh chống Mỹ ra toàn khu vực, cụ thể là tổ chức những chiến dịch tấn công phá hủy cơ sở quân sự và lực lượng đồn trú của Mỹ ở các quốc gia lân cận. |