Mỹ sẵn sàng thảo luận cách giảm thiểu hậu quả không mong muốn nếu Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 với Nga, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với hãng tin TASS ngày 19-6.
“Việc mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga theo kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ thực sự muốn tránh những bước đi này, tuy nhiên điều này đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ phải sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại quan trọng về hủy bỏ việc mua S-400. Mỹ sẵn sàng thảo luận cách giảm thiểu bất kỳ hậu quả không mong muốn nào mà sự từ chối này có thể mang lại”, vị quan chức Mỹ khẳng định.
Tổ hợp S-400 của Nga. Ảnh: TASS
Người này lưu ý: “Mỹ đã làm đủ mọi cách để cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc mua hệ thống S-400 là không thể chấp nhận được và có thể kích hoạt lệnh trừng phạt chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Tháng 1-2019, Mỹ đã đưa ra đề nghị tốt nhất về hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, một lựa chọn có sẵn thay thế cho S-400”.
Vị quan chức Mỹ cho rằng hệ thống S-400 là “nền tảng thu thập tình báo của Nga, gây nguy hiểm cho sự an toàn của máy bay và phi công Mỹ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, việc nước này tiếp tục tham gia chương trình tiêm kích F-35 là điều không thể”.
Người này thừa nhận rằng các biện pháp đáp trả của Washington trước kế hoạch mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không có lợi cho Mỹ.
“Những bước đi mà chúng tôi sẽ buộc phải thực hiện nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 sẽ gây đau đớn và tốn kém cho Mỹ, nhưng chúng tôi không thể gây nguy hiểm cho người dân của chúng tôi”, người này nói.
Theo hãng tin Bloomberg, Mỹ đãng xem xét ba gói trừng phạt áp vào Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có trừng phạt nhiều công ty ở quần thể quân sự-công nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. Những lệnh cấm này có thể được tung ra vào tháng 7. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này cho tới khi cuộc gặp giữa ông với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tuần tới, Bloomberg cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 vì mất niềm tin vào Mỹ
Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy mua hệ thống phòng không S-400 của Nga bất chấp đe dọa trừng phạt của Mỹ bởi vì niềm tin vào Washington đã bị phá vỡ, báo The Straits Times dẫn lời ba quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Ankara nói Washington hành động giống một đối thủ hơn là một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ. Và Tổng thống Erdogan đã cương quyết giữ vững lập trường, các quan chức trên nói.
Máy bay hải quân Mỹ đáp xuống căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP
Theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara tin rằng Mỹ không thể tìm được một đồng minh nào khác để thay thế nước này về mặt chiến lược.
Nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không thể đi đến thỏa thuận, mối quan hệ có thể bị tổn hại đến mức không thể khắc phục được. Mỹ sẽ có nguy cơ mất một đối tác quan trọng ở Trung Đông đầy biến động, còn Thổ Nhĩ Kỳ mất đi một đồng minh phương Tây mạnh nhất và nguồn cung cấp vũ khí chính yếu.
Ngoài vấn đề S-400, giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại một số bất đồng. Lầu Năm Góc hậu thuẫn lực lượng dân quân người Kurd ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là mối đe dọa cho tính toàn vẹn lãnh thổ của mình. Rồi việc Washington từ chối dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gülen, người Thổ Nhĩ Kỳ chủ mưu cuộc đảo chính bất thành năm 2016.
Thêm nữa, nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ lao đao vì các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Mỹ đang hỗ trợ các đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ trong tranh chấp khí đốt tự nhiên với Cộng hòa Síp và trong các cuộc xung đột khác trong khu vực
Theo các quan chức Thổ Nhĩ kỳ, khi ông Erdogan lập ra con đường ngoại giao ngày càng độc lập trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ đã vạch ra các tham vọng quân sự mới phần nào dựa trên công nghệ từ thỏa thuận tên lửa của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí hy vọng sẽ sản xuất thêm tên lửa đạn đạo tinh vi và máy bay chiến đấu của riêng nước mình.
Ý thức của Thổ Nhĩ Kỳ rằng phải tự mình bảo vệ được mình ngày càng khắc sâu vào năm 2015, khi Mỹ rút hệ thống phòng không khỏi Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đàn áp của Ankara do tình trạng bạo lực của lực lượng người Kurd gia tăng.
Binh sĩ Không quân Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có hệ thống phòng thủ tên lửa có từ hơn nửa thế kỷ trước, khi Mỹ rút tên lửa Jupiter khỏi nước này để đổi lấy các tên lửa của Liên Xô được rút khỏi Cuba. Điều này đã giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 và kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị ám ảnh bởi sự suy yếu của năng lực phòng không nước mình.
Các sức ép từ Mỹ đủ để thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận trước đó để mua hệ thống phòng thủ tên lửa từ Trung Quốc năm 2013. Tuy nhiên, tình thế giờ đây đã khác. Ankara tức giận Washington vì hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria.
Trong khi các bất đồng với Mỹ ngày một chồng chất, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu hợp tác với Nga về mặt quân sự ở Syria nhằm bảo vệ các lợi ích an ninh của mình.
Căn cứ Incirlik, được sử dụng cho các chiến dịch trên không chống IS của Mỹ, từng là địa điểm hoạt động chính của máy bay U-2 của Mỹ vốn do thám Nga. Ngày nay, trong một dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi các ưu tiên, một bảng hiệu màu trắng, đỏ to oành được dựng lên ở lối vào căn cứ với dòng chữ: “Quân đội hùng mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh”.