Thổ Nhĩ Kỳ đang tính loạt biện pháp trả đũa Mỹ vụ S-400

Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc loạt biện pháp trả đũa nhằm vào lệnh trừng phạt tiềm năng của Mỹ quanh việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa S-400 của Nga. Các biện pháp đối phó này được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, hãng tin Bloomberg ngày 15-6 dẫn lời một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Theo nguồn tin, Ankara hiện đang phân tích các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ và các sản phẩm xuất sang Mỹ như một phần trong biện pháp trả đũa tiềm năng này.

Nga thử nghiệm hệ thống S-400 ở Kamchatka năm ngoái. Ảnh: SPUTNIK

Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), những tiết lộ từ quan chức trên phù hợp với những tuyên bố mà Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đưa ra hôm 14-6 rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng chịu hậu quả từ quyết định của mình để bảo vệ quyền chủ quyền của đất nước, và sẽ trả đũa nếu Mỹ áp trừng phạt.

 “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận các biện pháp theo sự chỉ đạo của tổng thống chúng tôi. Không có chuyện như "hãy ngồi yên lặng và ngậm miệng lại” trước các quyết định của Mỹ. Nếu Mỹ đưa ra các bước đi tiêu cực đối với chúng tôi thì chúng tôi cũng sẽ phải làm như vậy. Chúng tôi sẽ kiên trì với quyết tâm của chúng tôi trở thành một quốc gia độc lập và tự do”, ông Cavusoglu nói.

Tuyên bố của ông Cavusoglu đưa ra ngay sau khi người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin chỉ trích lá thư của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. Trong thư, ông Shanahan đe dọa loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình huấn luyện phi công lái tiêm kích F-35 vì thương vụ S-400.

 “Lá thư này đi ngược lại tinh thần của các mối quan hệ đồng mình. Ngoài việc gửi thư đi, nội dung thư cũng được tiết lộ cho truyền thông. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với các vấn đề quốc gia nghiêm trọng… Chắc chắn chúng tôi sẽ đáp trả. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận vấn đề huấn luyện phi công của chúng tôi lái F-35 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào 29-6”, ông Kalin nói.

Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại S-400 không tương thích với thiết bị quân sự NATO, tuyên bố rằng hệ thống của Nga đặt ra đe dọa cho F-35.

Washington cũng đe dọa áp trừng phạt lên Ankara theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) và loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích F-35 nếu chính phủ nước này không từ bỏ thương vụ S-400.

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định việc mua những hệ thống này là vấn đề thuộc chủ quyền nước này, và loại bỏ khả năng rút lại thỏa thuận.

Ông Erdogan cũng tiết lộ tổ hợp S-400 đầu tiên sẽ được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 7 này theo như kế hoạch.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận cung cấp 4 khẩu đội S-400 trị giá 2,5 tỉ USD hồi tháng 12-2017.

Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi chiêu?

Bất chấp lá thư đe dọa từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ lần nữa tuyên bố quyết tâm sở hữu S-400 từ Nga, tuy nhiên giới phân tích cho rằng Ankara có thể rồi sẽ phục tùng mệnh lệnh của Washington sau cuộc bầu cử thị trưởng ở Istanbul, theo Tân Hoa Xã. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở lại cuộc bầu cử Thị trưởng Istanbul – TP lớn nhất nước vào 23-6.

Hệ thống S-400. Ảnh: SPUTNIK

“Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi chiêu. Sau cuộc bầu cử địa phương này, Ankara có lẽ sẽ đưa ra một giải pháp làm Washington chấp nhận”, Hasan Koni, một nhà phân tích quan hệ quốc tế nói với Tân Hoa Xã.

 “Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp nhận S-400 nhưng không cho chúng hoạt động”, ông Koni – giảng dạy tại ĐH Istanbul Kultur (Thổ Nhĩ Kỳ), nhận xét.

Ông Faruk Logoglu, một cựu nhà ngoại giao cấp cao cũng đồng tình quan điểm của ông Koni.

Nhiều ý kiến cho rằng Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn rất coi trọng việc giành chiến thắng ở Istanbul lần nữa, sẽ giữ những tuyên bố mạnh mẽ của mình về S-400 trong cuộc chạy đua bầu cử vì lo ngại mất phiếu ủng hộ. Sau nhiều ngày nhận lá thư của ông Shanahan, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn im lặng về vấn đề này.

Cho tới khi các tổ hợp S-400 đến đất Thổ Nhĩ Kỳ, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ rút lại thỏa thuận vẫn còn đó, Cahit Armagan Dilek, Giám đốc Viện Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 21 ở Ankara cho hay.

“Quyết định S-400 sẽ chỉ được hoàn tất sau cuộc bầu cử ở Istanbul” – ông nói.

Hôm 12-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hùng hồn tuyên bố về lập trường của Ankara, rằng S-400 là thỏa thuận đã hoàn tất và sẽ không rút lại thỏa thuận.

Mặc dù có vẻ vấn đề này đã đạt đến điểm phá vỡ nhưng đồng thời vẫn có các cuộc đối thoại âm thầm diễn ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, ông Logoglu lưu ý.

“Điều này cho thấy hai bên sẵn sàng giải quyết vấn đề này” – ông lập luận, nhấn mạnh Ankara và Washington cần nhau.

“Washington sẽ không muốn đẩy Ankara gần hơn tới vũ khí của Moscow, cần sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông và muốn có được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ khi Mỹ tìm cách tiếp cận vào Biển Đen. Ở chiều ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cần thiện chí của Mỹ để gõ cửa Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để cải thiện nền kinh mong manh” – ông Logoglu nhận định.

Tổng thống Erdogan cũng dự kiến gặp người đồng cấp Mỹ Donald Trump khi họ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào 28-29 tháng 6.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm