Mỹ tăng hỏa lực chống tên lửa Triều Tiên

Trả lời hãng tin Reuters cuối tuần qua, hai nghị sĩ Mỹ tiết lộ Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) của Mỹ đang tiến hành khảo sát toàn bộ khu vực bờ Tây nước này để tìm địa điểm triển khai thêm lá chắn tên lửa. Bước đi này của MDA diễn ra giữa bối cảnh chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thời gian qua đã liên tiếp đạt được nhiều bước tiến lớn. Trước đó, hôm 29-11, chính quyền Bình Nhưỡng đã tuyên bố thử nghiệm thành công mẫu tên lửa Hwasong-15.

Gia cố hàng phòng thủ

Việc Triều Tiên tăng tốc chóng mặt cả về số lượng và chất lượng các vụ thử nghiệm vũ khí trong năm 2017, cũng như rủi ro ICBM Triều Tiên mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn đến lãnh thổ Mỹ đang buộc chính phủ Tổng thống Donald Trump tăng đầu tư cho hệ thống phòng thủ tên lửa. Hệ thống phòng thủ được gia cố tại khu vực bờ Tây nước Mỹ nhiều khả năng sẽ bao gồm luôn lá chắn tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), tương tự những bệ phóng và tên lửa phòng không tối tân đã được triển khai đến Hàn Quốc trong năm qua, theo hãng Reuters.

Nghị sĩ Mike Roger, thành viên Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ và Chủ tịch Tiểu ban Các lực lượng chiến thuật, cho biết cơ quan chuyên trách bảo vệ nước Mỹ khỏi những cuộc tấn công tên lửa đang lập kế hoạch lắp đặt thêm nhiều cơ sở phòng thủ ở khu vực bờ Tây giáp Thái Bình Dương. Ông cho biết MDA đang cân nhắc các địa điểm vừa đảm bảo yêu cầu về quân sự, vừa phù hợp với các tiêu chuẩn về tác động môi trường. Hạ nghị sĩ Adam Smith cũng tiết lộ với Reuters rằng chính phủ Mỹ đang cân nhắc triển khai thêm THAAD đến các cơ sở phòng thủ tên lửa ở bờ Tây nước này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cho tăng tốc chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và ICBM trong năm 2017. Ảnh: KCNA

Hệ thống lá chắn tên lửa THAAD được triển khai tại Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, theo Reuters, kế hoạch chi tiêu quốc phòng năm tài khóa 2018 của Mỹ không đề cập đến điều này nên việc triển khai có thể sẽ diễn ra sau năm 2018. Trong khi đó, Phó Giám đốc MDA Joh Hill không công khai xác nhận những thông tin được tiết lộ bởi ông Mike Roger. “Cơ quan phòng thủ tên lửa chưa nhận được bất kỳ nhiệm vụ nào yêu cầu đặt THAAD tại bờ Tây” - Chuẩn Đô đốc Jon Hill trả lời mập mờ, không đề cập đến khả năng các hệ thống tên lửa khác được triển khai đến bờ Tây. Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin cũng từ chối bình luận về thông tin THAAD có thể được triển khai đến bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ.

Rầm rộ tập trận không quân

Trong một diễn biến khác, vào ngày 3-12, hàng chục máy bay chiến đấu F-22 và máy bay tàng hình F-35 của Mỹ đã hạ cánh tại Hàn Quốc chuẩn bị tham gia cuộc tập trận không quân rầm rộ giữa hai nước, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết. Cuộc tập trận mang tên Vigilant Ace 18 sẽ chính thức bắt đầu vào hôm nay (4-12) và kéo dài trong năm ngày với sự tham gia của gần 230 máy bay quân sự cùng hơn 12.000 nhân sự của Mỹ và Hàn Quốc.

Theo hãng tin Yonhap, hiếm khi nào Mỹ điều động đến 12 chiếc F-22 và F-35A cực kỳ tối tân đến tham gia diễn tập quân sự ở Hàn Quốc. Một số máy bay tàng hình F-35B của hải quân Mỹ đóng tại Nhật Bản cũng sẽ tham gia cuộc diễn tập lần này. Hoạt động diễn tập sẽ chú trọng giả lập đánh bom tiêu diệt cơ sở hạt nhân và các địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên, cũng như diễn tập khả năng phát hiện và tiêu diệt các xe chở tên lửa.

Phía chính quyền Bình Nhưỡng đã lên tiếng phản đối kịch liệt cuộc tập trận này của liên quân Mỹ-Hàn. Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 2-12 khẳng định: “Đây là cuộc tập trận chưa từng có tiền lệ về quy mô và tính chất khi đưa ra kịch bản tác chiến thực tế, cũng như số lượng khí tài chiến thuật Mỹ tham gia tập trận bao gồm F-22 và F-35”. Bộ Ngoại giao Triều Tiên đồng thời lên án chính phủ Tổng thống Trump đang “mời gọi chiến tranh” bằng một “canh bạc hạt nhân” vô cùng nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên.

THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực mặt đất, được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung và tầm xa. Quá trình triển khai THAAD chỉ mất vài tuần. Ngoài hai hệ thống THAAD được đặt ở Hàn Quốc và đảo Guam, Mỹ còn có bảy hệ thống THAAD khác đang hoạt động nhưng địa điểm không được tiết lộ. Một số bệ phóng được đặt tại căn cứ quân sự Bliss, bang Texas.

Tháng 7 vừa qua, Mỹ đã cho thử nghiệm lá chắn tên lửa THAAD và đã bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung giả lập. Hiện nay phần lãnh thổ lục địa của Mỹ chủ yếu được bảo vệ bằng hệ thống phòng thủ ngăn chặn trên bộ GMD với các cơ sở đặt tại Alaska và California. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có trong tay nhiều tàu hải quân có trang bị hệ thống đánh chặn Aegis. Hiện các lá chắn tên lửa THAAD có tỉ lệ đánh chặn thành công cao hơn GMD.

_________________________

52 là số lượng đơn vị lá chắn tên lửa THAAD được lên kế hoạch bổ sung cho quân đội Mỹ trong giai đoạn từ tháng 10-2017 đến tháng 9-2018, được MDA trình lên Hạ viện Mỹ hồi tháng 6 vừa qua. Như vậy, tổng số đơn vị THAAD được biên chế kể từ năm 2011 đến cuối quý III-2018 sẽ lên đến con số 210, theo Reuters.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm