Mỹ hôm 3-6 cho biết dự kiến sẽ áp đặt hạn chế với ít nhất bốn cơ quan truyền thông Trung Quốc trong các hoạt động của họ trên đất Mỹ, đồng thời đưa cả bốn cơ quan này vào diện "cơ quan ngoại giao nước ngoài".
Theo hãng tin Reuters, hành động này của Bộ Ngoại giao Mỹ chắc chắn sẽ khiến căng thẳng Mỹ-Trung càng gia tăng.
Các hạn chế được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29-5 thông báo bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả việc Trung Quốc thúc đẩy luật an ninh quốc gia mới dành cho Hong Kong.
Mỹ tiếp tục áp đặt hạn chế lên các cơ quan truyền thông Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Những cơ quan truyền thông có trong danh sách hạn chế bao gồm Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) - cơ quan truyền thông hàng đầu của nước này và China News Service - hãng tin nhà nước lớn thứ hai của Trung Quốc. Hai cơ quan còn lại chưa được công bố.
Cả bốn cơ quan sẽ được thêm vào danh sách năm hãng truyền thông khác bị Mỹ đưa vào diện hạn chế vào tháng 2-2020 với cáo buộc họ là những công cụ để Trung Quốc phát tán thông tin có lợi cho Bắc Kinh và gây hại cho Mỹ.
Cả bốn cơ quan truyền thông sẽ buộc phải đăng ký, gửi thông báo cho Bộ Ngoại giao Mỹ khi có thay đổi nhân sự, hoặc mua/thuê văn phòng làm việc ở Mỹ - tương tự quy định áp dụng với các đại sứ quán và các phái đoàn ngoại giao khác.
Năm hãng truyền thông Trung Quốc bị chính quyền Tổng thống Trump liệt vào diện "cơ quan ngoại giao nước ngoài" trước đó gồm: Tân Hoa xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, China Daily và Hai Tian Development USA (chuyên phát hành, phân phối tờ Nhân dân Nhật báo tại Mỹ).
Khi được yêu cầu đưa ra bình luận về lệnh hạn chế này, cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều không đưa ra câu trả lời. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào về sự việc này.
Tổng thống Trump cho biết sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả việc Trung Quốc thúc đẩy luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong. Ảnh: IBT
Mỹ và Trung Quốc đã đụng độ nhau nhiều lần trong những tháng gần đây về quá trình hoạt động của các nhà báo mỗi nước.
Vào tháng 3-2020, Washington cho biết đã cắt giảm số lượng nhà báo được phép làm việc tại các văn phòng của các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc ở Mỹ xuống từ 160 còn 100.
Đáp trả lại, Trung Quốc cũng yêu cầu các nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ The New York Times, The Wall Street Journal và The Washington Post nộp lại thẻ tác nghiệp trong hai tuần. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không được phép tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc yêu cầu các chi nhánh của đài Voice of America, các báo The New York Times, The Wall Street Journal và The Washington Post kê khai thông tin về nhân viên, tài chính, tài sản cố định và hoạt động tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc thông báo sẽ áp đặt các biện pháp đáp trả tương tự việc Mỹ hạn chế nhà báo Trung Quốc đưa tin liên quan đến các vấn đề như cấp thị thực (visa).
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên tồi tệ và căng thẳng hơn trong những tháng gần đây liên quan đến đại dịch COVID-19, cũng như việc Trung Quốc thúc đẩy luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong.