Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 23-9 (giờ New York), Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho một lần nữa nhấn mạnh thông điệp cảnh báo: Nếu phát hiện Mỹ và đồng minh có dấu hiệu triển khai “một chiến dịch đánh vào đầu não lãnh đạo (Bình Nhưỡng) hoặc tấn công quân sự”, Triều Tiên sẵn sàng có “biện pháp ngăn chặn” mạnh tay.
“Không thể tránh khỏi”
Ông Ri cũng đồng thời chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt biệt danh cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “người đàn ông tên lửa”. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo ngôn từ của tổng thống Mỹ đang khiến viễn cảnh “tên lửa Triều Tiên ghé thăm lãnh thổ Mỹ trở nên không thể tránh khỏi”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên cáo buộc tổng thống Mỹ mới là người theo đuổi một sứ mệnh tự sát. “Nếu như tính mạng của người dân Mỹ vô tội bị đe dọa vì hành động tấn công tự sát này, ông Trump sẽ là người phải gánh chịu mọi trách nhiệm” - ông Ri Yong-ho kịch liệt chỉ trích Tổng thống Donald Trump. Ông Ri tuyên bố mục đích tối thượng của Triều Tiên là thiết lập một sự “cân bằng quyền lực” với Mỹ. “Lực lượng hạt nhân quốc gia là một biện pháp ngăn chặn chiến tranh, chấm dứt mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ và ngăn ngừa xâm lược quân sự” - ông Ri Yong Ho khẳng định.
Ngày 24-9, người phát ngôn đảng Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc Baek Hye-run đã phản pháo bài phát biểu của ông Ri Yong-ho là “đầy tính đe dọa”. Trước đó, vào ngày 20-9, Tổng thống Trump trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ cũng từng đưa ra tuyên bố sẵn sàng “hủy diệt toàn bộ Triều Tiên” khiến lãnh đạo nhiều cường quốc quan ngại.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 23-9 (giờ New York). Ảnh: REUTERS
Leo thang đầy rủi ro
Các động thái leo thang căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên đang diễn ra dồn dập từ cả hai phía. Các tuyên bố đe dọa của ông Ri Yong-ho được đưa ra chỉ vài tiếng sau khi Mỹ điều động máy bay ném bom hạt nhân siêu thanh B-1B Lancer bay trên không phận quốc tế gần bờ biển phía Đông Triều Tiên. Các máy bay được điều động từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam, nơi Triều Tiên vào tháng trước từng đe dọa sẽ đặt làm mục tiêu phóng thử tên lửa. Hộ tống các chiếc B-1B còn có một số máy bay chiến đấu F-15C Mỹ đóng tại căn cứ không quân Kadena, đảo Okinawa, Nhật Bản.
Trong thế kỷ 21, chưa từng có máy bay ném bom hay máy bay chiến đấu nào của Mỹ bay xa như vậy về phía Bắc vùng phi quân sự (DMZ). Điều này nhấn mạnh Mỹ xem các hành động bất cẩn của Triều Tiên nghiêm trọng đến mức nào. DANA WHITE, nữ phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói về việc máy bay ném bom Mỹ tiến sát không phận bờ biển Triều Tiên |
Trước đó một ngày, ông Kim Jong-un đã phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình Triều Tiên đáp trả những tuyên bố của ông Trump. Ông cảnh báo Triều Tiên sẵn sàng tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay. Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho cho biết Triều Tiên có thể sẽ phóng thử tên lửa vũ trang bom H trên Thái Bình Dương. Cuộc đấu khẩu “đọ gan” giữa Bình Nhưỡng và Washington ngày càng gay gắt.
Dù vậy, nhiều ý kiến vẫn bác bỏ khả năng xung đột quân sự nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Trả lời trên đài truyền hình NTV, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24-9 nhận định: “Người Mỹ sẽ không tấn công Triều Tiên vì họ không còn hoài nghi mà biết rất rõ Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân”. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng cho rằng không tài nào Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác có đủ 100% thông tin về các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, hãng Itar Tass dẫn lời ông Lavrov. Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Moscow cũng không loại trừ trường hợp “tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.
Trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM về những rủi ro từ việc Triều Tiên phóng tên lửa, ông Crispin Rovere (ảnh), học giả tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng (SDSC) - ĐH Quốc gia Úc, cựu thành viên Ủy ban Chính sách các vấn đề quốc tế của đảng Lao động Úc (ALP), nhận định: “Chúng ta thấy rõ các biện pháp ngăn chặn giờ đây đang thất bại. Bình Nhưỡng tuyên bố họ sẵn sàng “nhấn chìm Nhật Bản”. Chỉ một ngày sau người dân Nhật Bản đã nhận các tin nhắn báo động một tên lửa đang hướng tới nước này và được yêu cầu tìm chỗ trú. Đó đã là lần phóng tên lửa thứ hai trong vòng một tháng. Hãy thử tưởng tượng người dân Mỹ tại Hawaii nhận được những tin nhắn tương tự thì sẽ ra sao? Đây là lý do các đồng minh của Mỹ đang ngày càng bất bình. Rủi ro hiện nay là vô cùng lớn. Nếu như tên lửa rơi lên lãnh thổ đồng minh của Mỹ, chiến tranh sẽ bùng nổ ngay lập tức. Nếu như kịch bản này may mắn không xảy ra, các động thái thách thức của Triều Tiên chắc chắn vẫn tăng cả về tần suất và cường độ. Đến khi vượt quá mức chịu đựng, Mỹ và các đồng minh sẽ buộc phải đáp trả bằng biện pháp quân sự”. Tuy nhiên, ông Rovere đánh giá rằng Triều Tiên vẫn chưa thể đạt đến mục tiêu cân bằng quân sự mà nước này đặt ra. “Về cân bằng quân sự trực tiếp, chắc chắn Triều Tiên sẽ thua cuộc nếu chiến tranh xảy ra trên bán đảo này. Dù vậy, sự hiện diện quân sự về dài hạn của Mỹ tại Guam và Okinawa sẽ thực sự đối mặt với mối đe dọa tấn công hạt nhân. Đây là những thách thức rất đau đầu cho các nhà hoạch định quân sự của Mỹ” - ông cho biết. |