Quan hệ Mỹ - Trung Quốc (TQ) thời điểm này đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Tình trạng xấu kéo dài này kéo theo nhiều lo ngại sẽ dẫn tới hệ lụy nguy hiểm - điều cả Mỹ và TQ đều không mong muốn.
Mỹ, TQ chờ bước đi của nhau
Mong muốn cải thiện quan hệ nhưng đến lúc này có vẻ các bên vẫn “nhường” nhau có động thái trước. Gần nhất, tiếp Đại sứ Mỹ tại TQ Nicholas Burns ngày 8-5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Tần Cương kêu gọi ổn định quan hệ sau một loạt “lời nói và hành động sai lầm” của Mỹ khiến quan hệ hai nước bị đẩy trở lại tình trạng đóng băng sâu sắc, theo hãng tin Reuters.
Theo ông Tần, những lời nói và hành động của Mỹ đã làm suy yếu “động lực tích cực khó giành được” sau cuộc gặp của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Indonesia vào năm ngoái.
Phái đoàn Mỹ do Đại sứ Nicholas Burns dẫn đầu (trái) gặp phái đoàn Trung Quốc do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tần Cương dẫn đầu (phải) ngày 8-5. Ảnh: Tài khoản Twitter của Đại sứ Nicholas Burns |
Tuy nhiên, trong cuộc gặp với ông Burns, ông Tần lưu ý rằng Mỹ phải có bước đi trước. Thừa nhận mối quan hệ đã “trở nên lạnh giá” và ưu tiên hàng đầu là ổn định “và tránh một vòng xoáy đi xuống và các sự kiện không lường trước được”, song ông Tần yêu cầu “phía Mỹ nên phản tỉnh sâu sắc, thỏa hiệp với TQ và đưa quan hệ TQ - Mỹ thoát khỏi những khó khăn, trở lại đúng hướng”.
Cụ thể, ông Tần yêu cầu Mỹ phải tôn trọng các điểm mấu chốt của TQ, ngừng làm suy yếu chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của nước này - đặc biệt về vấn đề Đài Loan. Ông Tần kêu gọi Mỹ điều chỉnh cách ứng xử trong vấn đề Đài Loan, chấm dứt hỗ trợ cho các lực lượng “Đài Loan độc lập”, tránh ảnh hưởng nguyên tắc “một TQ”.
Một tuần trước đó, ngày 2-5, Đại sứ Mỹ tại TQ Nicholas Burns cũng đánh tiếng rằng Mỹ đang đợi TQ có bước đi để cải thiện quan hệ song phương, theo tờ South China Morning Post. Kêu gọi TQ mở lại tất cả kênh liên lạc, đối thoại song phương mà TQ đình chỉ sau chuyến đi Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8 năm ngoái, Đại sứ Burns cho biết Mỹ “sẵn sàng nói chuyện” với TQ và “hy vọng người TQ sẽ đồng ý”.
Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức nào và cơ hội cải thiện?
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xuống mức thấp nhất từ tháng 8 năm ngoái khi chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan. Chỉ vài giờ sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, TQ đã đóng tổng cộng tám kênh đối thoại chính giữa hai nước, bao gồm các kênh liên lạc liên quan đến chống ma túy, môi trường và quốc phòng.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản TQ Vương Nghị có cuộc hội đàm hai ngày tại Vienna (Áo) trong tuần này, đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau năm ngoái. Theo Nhà Trắng, hai bên thảo luận thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng về các vấn đề chính trong quan hệ song phương Mỹ - TQ, các vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực, xung đột Nga - Ukraine và các vấn đề xuyên eo biển Đài Loan.
Căng thẳng giảm bớt vào tháng 11-2022 sau khi ông Biden và ông Tập gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia và cam kết đối thoại thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, căng thẳng lại bùng lên vào tháng 2 khi một khinh khí cầu tầm cao của TQ xuất hiện trong không phận Mỹ. Mỹ bắn hạ khinh khí cầu này và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy chuyến thăm Bắc Kinh để đáp trả.
Kể từ đó, liên lạc giữa hai bên đã trở nên căng thẳng hơn nhiều. Cuộc gặp giữa ông Tần và ông Burns ngày 8-5 là lần tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau chuỗi sự việc khinh khí cầu.
Thời điểm này, không ai nói trước được triển vọng của quan hệ Mỹ - Trung. Đại sứ Burns khẳng định Mỹ chưa bao giờ muốn quan hệ với TQ bị đóng băng, không muốn có xung đột hay chiến tranh lạnh với TQ, điều Mỹ cần là sự ổn định trong quan hệ hai bên. Tuy nhiên, ông Burns cũng thừa nhận “thật khó để dự đoán bao giờ tương tác hai bên bình thường trở lại”.
Ngày 31-3, ông Kurt Campbell, Điều phối viên Nhà Trắng phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhận định các nỗ lực xây dựng nền tảng cho quan hệ Mỹ - TQ cho đến nay vẫn chưa thành công. Ông Campbell nhấn mạnh sự cần thiết phải khôi phục các đường dây liên lạc và các cơ chế xử lý khủng hoảng giữa Mỹ và TQ như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, theo Reuters. Ông Campbell nói ông chờ xem “trong những tháng tới, liệu Mỹ và TQ có thể thiết lập lại chính sách ngoại giao mang tính xây dựng, hiệu quả, dễ đoán định giữa hai nước hay không?”.
Có thể nói mọi sự chú ý đang tập trung về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến TQ - được coi là một bước quan trọng trong việc hàn gắn mối quan hệ ngoại giao căng thẳng đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Đến thời điểm này, chưa có dấu hiệu cho thấy chuyến đi sẽ được lên lịch lại.
Tuy nhiên, ngày 8-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết Ngoại trưởng Blinken vẫn giữ ý định đến thăm TQ và “sẽ thực hiện điều này khi điều kiện cho phép”. Ngày 3-5, Đại sứ Burns cũng khẳng định rằng chuyến thăm TQ của Ngoại trưởng Blinken sẽ được thực hiện “khi các điều kiện phù hợp”.•
Thế đối đầu vẫn căng
Có thể nói quan hệ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị mắc kẹt giữa một loạt vấn đề nghiêm trọng như Đài Loan, Biển Đông, cạnh tranh công nghệ…
Tháng 9-2022, Mỹ đã phê chuẩn Đạo luật Chính sách Đài Loan, theo đó sẽ cung cấp hàng tỉ USD viện trợ quân sự cho Đài Bắc. Ngày 8-5, lãnh đạo Cơ quan Phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính nói rằng hòn đảo này đang mong đợi gói vũ khí miễn phí trị giá 500 triệu USD từ Mỹ. Không chỉ nhiều lần lên tiếng rằng sẽ tăng hỗ trợ cho Đài Loan về mặt quân sự, Mỹ cũng đang nâng cấp các thỏa thuận đặt căn cứ với Philippines, nằm ngay phía Nam Đài Loan.
Thời gian gần đây, Mỹ tích cực tuần tra Biển Đông. Cuối tháng 3, Mỹ bác thông tin phía TQ đưa ra rằng nước này đã đuổi tàu khu trục USS Milius mang tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ khi tàu này đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Cuối tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố kêu gọi TQ ngừng quấy rối các tàu Philippines ở Biển Đông, theo Reuters.
Theo lời ông Kurt Campbell, cuối tháng 3, Mỹ vẫn đang tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bất chấp cuộc chiến ở Ukraine cho thấy sự can dự, viện trợ và hỗ trợ của Washington đối với khu vực. Ông Campbell cũng tiết lộ rằng Mỹ đang chuẩn bị “một chương trình nghị sự đầy tham vọng” cho Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mà nước này tổ chức vào tháng 11 tới.
Về phía TQ, ngày 21-4, Bắc Kinh tố Washington cưỡng ép kinh tế và bắt nạt công nghệ khi đưa ra các giới hạn mới nhằm kìm hãm khả năng đầu tư của các công ty, doanh nghiệp Mỹ vào TQ, theo hãng tin AFP.