Ngày 2-5, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc (TQ) Nicholas Burns nói rằng Washington đang đợi Bắc Kinh thực hiện bước tiếp theo để cải thiện quan hệ song phương, theo tờ South China Morning Post.
“Chúng tôi cần các kênh liên lạc tốt hơn và sâu sắc hơn giữa hai chính phủ. Chúng tôi sẵn sàng nói chuyện (với TQ). Đó là điều đặc biệt quan trọng phải làm giữa lúc hai bên đang gặp bất đồng lớn. Chúng tôi chưa bao giờ ngại nói chuyện và chúng tôi hy vọng phía TQ cũng sẽ như vậy” - ông Burns nói.
Phát biểu của ông Burns được đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa hai quốc gia đang lao dốc liên quan một loạt vấn đề như thương mại, Đài Loan, quốc phòng, chính trị và tầm nhìn khác nhau về hệ thống toàn cầu.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns. Ảnh: REUTERS |
Chỉ trong vài giờ sau chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi (khi đó là Chủ tịch Hạ viện Mỹ) hồi tháng 8 năm ngoái, TQ đã đóng tổng cộng 8 kênh đối thoại chính giữa hai nước, bao gồm các cuộc thảo luận liên quan đến chống ma túy, môi trường và quốc phòng.
Tảng băng giữa hai bên có vẻ thuyên giảm sau kỳ Đại hội đảng Cộng sản TQ lần thứ 20 diễn ra vào tháng 10, sau đó là những cuộc tiếp xúc cấp cao giữa giới lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên quan hệ lần nữa đi vào ngõ cụt khi Mỹ phát hiện và bắn hạ các khinh khí cầu TQ mà họ cáo buộc là do thám, khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải huỷ chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 2.
“Thật khó để đưa ra dự đoán bao giờ tương tác hai bên bình thường trở lại, nhưng chúng tôi chưa bao giờ muốn mối quan hệ này bị đóng băng. Chúng tôi không muốn xung đột với TQ. Chúng tôi không muốn có Chiến tranh Lạnh với Bắc Kinh. Chúng ta cần sự ổn định hơn nữa trong mối quan hệ này” - ông Burns chia sẻ.
Ông Burns nhấn mạnh rằng nền tảng của mọi mối quan hệ song phương chính là quan hệ kinh doanh và giao lưu nhân dân, ngay cả khi các quốc gia cạnh tranh gay gắt trên nhiều mặt.
Tuy nhiên, theo ông Burns, chính sách “zero COVID” của TQ khiến các doanh nghiệp Mỹ không thể đến nước này trong 3 năm, cộng với bối cảnh địa chính trị căng thẳng và đầy biến động hiện tại cũng khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia Mỹ ngại gia nhập thị trường tỉ dân này. Do đó, phía Mỹ hy vọng Bắc Kinh có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại TQ.