Wagner và chiếc 'vòi bạch tuộc' khắp châu Phi

(PLO)- Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner (Nga) hiện diện khắp châu Phi và chủ yếu nhắm vào các quốc gia có cơ chế quản lý yếu kém, đang xung đột và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nổi lên khi sát cánh cùng quân chính quy Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tập đoàn quân sự tư nhân Wagner (Nga) khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu họ có còn hiện diện ở đâu ngoài Kiev.

Sơ lược về Wagner

Tập đoàn Wagner là một công ty quân sự tư nhân có trụ sở tại Nga do ông Yevgeny Prigozhin lãnh đạo. Theo tờ Vox, rất khó để biết được quy mô và phạm vi hoạt động của họ. Wagner cung cấp mọi thứ từ huấn luyện an ninh, tư vấn chính trị và quân sự, thu thập thông tin tình báo, hoạt động gây ảnh hưởng và hoạt động chiến đấu.

Lãnh đạo Wagner - ông Yevgeny Prigozhin. Ảnh: AP

Lãnh đạo Wagner - ông Yevgeny Prigozhin. Ảnh: AP

Nhóm này lần đầu tiên được biết đến rộng rãi vào năm 2014, khi được cho là đã tham gia vào nỗ lực sáp nhập bán đảo Crimea của Nga và chiến đấu ở vùng Donbass (miền đông Ukraine). Vào thời điểm đó, nhiều báo cáo cho biết có "những người đàn ông nhỏ màu xanh lá cây” - ám chỉ những người lính mặc quân phục nhưng không có phù hiệu của Nga - hoạt động ở cả hai khu vực nói trên.

Ông Prigozhin đã từng kiện các hãng tin Nga và phương Tây cáo buộc ông có quan hệ với nhóm. Tuy nhiên, về sau đã thừa nhận mối liên quan và giải thích rằng làm vậy là để bảo vệ những người lính Wagner, theo tờ Independent.

Bộ Quốc phòng Anh (MoD) lần đầu tiên báo cáo về việc Wagner đã được triển khai tại Ukraine vào ngày 28-3-2022, chưa đầy một tháng sau cuộc xung đột nổ ra. Tình báo nước này cũng cho biết ước tính có 50.000 lính Wagner đang hoạt động ở Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Lực lượng này cũng đứng sau nhiều thành tựu chiến trường Nga tại Ukraine trong thời gian qua, khi là một phần rất quan trọng giúp Moscow chiếm giữ các thị trấn như Soledar (tỉnh Donetsk), Popasna và Lysychansk (tỉnh Luhansk). Nhóm này hiện cũng đang rất nỗ lực đánh chiếm Bakhmut, chảo lửa giao tranh giữa Moscow-Kiev nhiều tháng qua.

Binh sĩ Ukraine khai hoả lựu pháo D30 ở tiền tuyến Bakhmut ngày 23-4. Ảnh: REUTERS
Binh sĩ Ukraine khai hoả lựu pháo D30 ở tiền tuyến Bakhmut ngày 23-4. Ảnh: REUTERS

Có tiền là đánh

Vào ngày 7-2-2018, tại Deir al-Zour ở miền đông Syria, khoảng 500 lực lượng thân chính phủ Syria được trang bị vũ khí do Nga sản xuất đã tấn công quân đội Mỹ và nhóm người Kurd tại khu vực. Tờ The New York Times khi đó đưa tin rằng phía Mỹ đã nghe được có binh sĩ nói tiếng Nga lẫn trong nhóm thân chính phủ Syria. Theo đó, Mỹ đã cố gắng liên lạc Nga và yêu cầu Moscow ra lệnh ngừng chiến, song phía Nga phủ nhận liên quan.

Theo Vox, cuộc đọ súng căng thẳng khiến khoảng 200 binh sĩ thân Syria thiệt mạng, trong khi đó không có báo cáo tử vong liên quan phía Mỹ và nhóm người Kurd. Chính phủ Nga tiếp tục phủ nhận quân đội nước họ đã tham gia vào cuộc tấn công, mặc dù sau đó thừa nhận có công dân Nga đã thiệt mạng trong giao tranh.

Tình báo Mỹ kết luận rằng ít nhất một số chiến binh trong nhóm thân Syria đó có khả năng liên quan đến Tập đoàn Wagner. Giới quan sát cho rằng sự tham gia của Wagner khi đó chính là cách mà Nga hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria - ông Bashar al-Assad về sức mạnh không quân, tình báo,... mà không trực tiếp đưa lính Nga đến Syria.

Theo một báo cáo năm 2021 từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các công ty quân sự tư nhân của Nga đã hoạt động tích cực ở châu Phi, Trung Đông, châu Âu, châu Á và cả khu vực Mỹ-Latinh. Trong đó, Wagner chủ yếu hoạt động ở châu Phi, đặc biệt là ở Libya, Cộng hòa Trung Phi, Sudan, Mali, và Mozambique. Theo thông tin của tờ DW (Đức), có 1.890 lính Wagner hoạt động tại Cộng hoà Trung Phi, 1.200 lính ở Libya, và hàng trăm lính tại Mali.

Theo bà Catrina Doxsee - chuyên gia tại CSIS, khác với vụ tham chiến ở Ukraine, hoạt động của Wagner ở các khu vực khác ít liên quan trực tiếp tới quân đội Nga, và sẽ thường “nhắm mục tiêu vào các quốc gia có cơ chế quản lý yếu kém, đang xung đột và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như năng lượng, vàng và đá quý”.

Ông Sorcha MacLeod - Phó Giáo sư tại ĐH Copenhagen (Đan Mạch) và là chuyên gia tại Liên Hợp Quốc - nói rằng: “Wagner không có động cơ nào để chấm dứt xung đột vũ trang, bởi vì họ sẽ tiếp tục được trả tiền hoặc tiếp tục được tiếp cận với khoáng sản”. Theo bà, điều này nghĩa là Wagner sẽ cố gắng kéo dài tình trạng bất ổn để hưởng lợi.

Trùm Wagner cảnh báo cuộc phản công Ukraine sẽ là “thảm kịch” với Nga, doạ rút lực lượng

Theo hãng tin Reuters, trùm Wagner - ông Prigozhin đã dọa sẽ rút lính đánh thuê khỏi TP Bakhmut nếu lực lượng này không nhận thêm đạn dược để tiếp tục chiến đấu.

"Lực lượng Wagner cần ít nhất 300 tấn đạn pháo mỗi ngày cho cuộc tấn công. Ba trăm tấn tương đương 10 container, không nhiều chút nào, nhưng chúng tôi chỉ được cung cấp không quá 1/3 số đó" - ông Prigozhin nói khi kiểm tra kho vũ khí ở Soledar ngày 1-5.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với blogger thân Nga Semyon Pegov, ông Prigozhin nói rằng Wagner “chỉ nhận được khoảng 10-15% số đạn mà chúng tôi cần". Ông này đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cung cấp đạn dược ngay lập tức, và doạ rút lực lượng nếu yêu cầu trên không được đáp ứng.

Ông cũng nhấn mạnh phía Ukraine có thể sẽ phản công vào giữa tháng 5, và đó sẽ là một thảm kịch đối với Nga. Theo tờ Le Monde, Ukraine gần đây cũng cho biết họ đang hoàn thiện công tác chuẩn bị cho cuộc phản công được lên kế hoạch từ lâu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm