Theo RT, Bộ Tài chính Mỹ ngày 24-4 thông báo trừng phạt 271 nhân viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria (SSRC) với các cáo buộc liên quan tới nghiên cứu và phát triển chương trình hóa học của Syria. Washington tin rằng các thành viên của SSRC là người chịu trách nhiệm cho vụ tấn công hóa học sử dụng khí sarin ở tỉnh Idlib hôm 4-4. Đây được xem là biện pháp trả đũa khác của Mỹ nhưng không có bất kỳ cuộc điều tra nào về vụ tấn công.
“Các lệnh trừng phạt này nhắm vào trung tâm đã hỗ trợ khoa học cho vụ tấn công hóa học kinh hoàng của nhà độc tài Bashar al-Assad nhằm vào những người dân vô tội, kể cả trẻ em và phụ nữ”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết.
Ông Mnuchin thề “kiên quyết theo đuổi và xóa sổ các mạng lưới tài chính của tất cả cá nhân liên quan đến sản xuất vũ khí hóa học được dùng để thực hiện những hành động tàn bạo này”.
Một đứa trẻ Syria được điều trị sau vụ tấn công hóa học ở tỉnh Idlib hôm 4-4. Ảnh: EPA
Theo lệnh trừng phạt, các ngân hàng của Mỹ sẽ đóng băng tài sản của những cá nhân nào có tên trong danh sách trừng phạt. Biện pháp trừng phạt mới còn cấm các công ty Mỹ thực hiện giao dịch với các cá nhân đó.
Đây không phải lần đầu tiên Washington áp lệnh trừng phạt vào những cá nhân có liên quan tới các hoạt động của SSRC. Ngay trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, vào ngày 12-1, Bộ Tài chính Mỹ đã đi tới quyết định trừng phạt sáu quan chức Syria liên quan tới hoạt động của SSRC.
Lệnh trừng phạt ngày 24-4 là biện pháp “trả đũa” mới nhất mà chính quyền Trump đưa ra nhằm đáp trả cuộc tấn công hóa học hôm 4-4 ở thị trấn Khan Shaykhun, Idlib ở Syria. Đến nay chưa có cuộc điều tra nào đối với vụ việc được tiến hành. Trước đó, chỉ sau ba ngày xảy ra vụ tấn công hóa học ở tỉnh Idlib, hải quân Mỹ theo lệnh của Tổng thống Donald Trump nã 59 quả tên lửa hành trình vào căn cứ Shayrat, Syria với lý do trả đũa vụ tấn công mà Washington cáo buộc do Tổng thống Assad gây ra.
Ngay sau khi lệnh trừng phạt được công bố, Anh đã nhanh chóng hoan nghênh quy mô trừng phạt chưa từng có tiền lệ của Mỹ nhằm vào các cá nhân Syria.
“Chúng tôi hoan nghênh vai trò của lệnh trừng phạt trong việc gia tăng gây sức ép lên chính phủ Syria từ bỏ các chiến dịch quân sự của nước này. Lệnh trừng phạt đang tìm cách ngăn chặn những quốc gia khác có hành động man rợ tương tự” -Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói.
Tuy nhiên, theo Moscow, bằng cách đổ lỗi cho chính phủ Syria, chính phủ Mỹ đang cố đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế khỏi sự cần thiết tiến hành điều tra vụ tấn công hóa học ở Idlib.
“Một lần nữa chúng tôi hiểu rõ lệnh trừng phạt không được sử dụng như một công cụ để đạt đến mục tiêu thực sự, mà đó chỉ là minh chứng cho nỗ lực thay thế hoặc hủy bỏ cuộc điều tra” - Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thuộc Thượng viện Nga, cho biết.