Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 26-4 tuyên bố Mỹ sẽ mở rộng vai trò ở Syria. “Bây giờ chúng tôi không rút quân. Chúng tôi đang tiếp tục cuộc chiến, chúng tôi sẽ mở rộng vai trò và hỗ trợ hơn nữa cho khu vực. Đây là thay đổi lớn nhất mà chúng tôi đang thực hiện ngay bây giờ” - ông Mattis phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, tin từ RT.
Một binh sĩ Mỹ bên một phương tiện quân sự ở TP Raqqa, miền Bắc Syria. Ảnh: RT
Trong tuyên bố của mình, ông Mattis kiên định rằng Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria. “Không có giải pháp quân sự nào có thể giải quyết nội chiến Syria” - ông Mattis khẳng định.
Tổng thống Donald Trump trước đó bất ngờ tuyên bố rằng lực lượng Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria một khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại, tuy nhiên vẫn chưa tiết lộ cụ thể thời gian rút quân.
Trong cuộc họp báo Nhà Trắng hôm 24-4, ông Trump cho hay binh sĩ Mỹ sẽ sớm rút về nước, song ông cũng muốn để lại dấu ấn mạnh mẽ và lâu dài trong khu vực.
Trước khi đắc cử Tổng thống, ông Trump nhiều lần cảnh báo người tiền nhiệm Barack Obama về sự can thiệp quân sự ở Syria, nói rằng sự can thiệp này sẽ hao tài tốn của và không có triển vọng, vô cùng bất lợi.
Phát biểu trước Quốc hội hôm 25-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết rằng Pháp và Mỹ sẽ “cùng nhau sát cánh ở Syria”. Ông Macron đã phối hợp chặt chẽ với người đồng cấp Mỹ trong vụ tập kích tên lửa vào các mục tiêu của chính phủ Syria sáng sớm 14-4.
Tại buổi điều trần hôm 26-4, ông Mattis nói rằng lực lượng Mỹ trong vài ngày tới sẽ mở đợt tấn công “tái nạp năng lượng” vào các mục tiêu ở giữa thung lũng sông Euphrates, đồng thời tăng cường các chiến dịch ở biên giới Syria-Iraq nhưng ở lãnh thổ Iraq với sự yểm trợ của đặc nhiệm Pháp.
Kể từ năm 2014, Mỹ đã hậu thuẫn cho các lực lượng chống chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe nổi dậy người Kurd ở Syria dưới danh nghĩa xóa sổ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Sau sự can thiệp của Mỹ rồi sau đó là Nga vào năm 2015, IS đã mất khoảng 98% lãnh thổ trên toàn Syria và Iraq, bây giờ chỉ còn kiểm soát một vài sa mạc hoang vắng.
Bộ trưởng Mattis khẳng định với các nghị sĩ rằng Washington vẫn sẽ liên lạc với lực lượng Nga nhằm đảm bảo hai cường quốc không bị kéo vào xung đột nhưng vẫn cùng nhau đánh IS ở Syria.
“Ngay bây giờ ở Syria, chúng tôi đã mở đường dây liên lạc giảm xung đột và chưa bao giờ làm gián đoạn chúng. Đường dây nóng giảm xung đột hoạt động khá tốt, đảm bảo chúng tôi không đâm bổ vào lực lượng của nhau hay các chiến dịch của nhau” - ông nói.