Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30-3 lệnh phong tỏa khoản tài trợ 225 triệu USD dành tái thiết Syria trong thời gian Mỹ đánh giá lại vai trò của mình trong cuộc chiến Syria.
Theo Wall Street Journal, lệnh phong tỏa này đã được Nhà Trắng chuyển đến Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Trump đã ra quyết định phong tỏa sau khi đọc một bài báo nói về việc Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã hứa khoản tiền này trong một cuộc họp của liên quân quốc tế đánh IS ở Kuwait hồi tháng 2. Ông Tillerson đã bị ông Trump sa thải ngày 13-3.
Năm ngoái Bộ Ngoại giao Mỹ chi 200 triệu USD cho công tác ổn định Syria, bao gồm các hạng mục như tháo dỡ mìn, khôi phục đường nước, điện. Khoản chi cho công tác này trong năm nay là 225 triệu USD. Nếu khoản tiền này bị phong tỏa, các chương trình hiện tại của Mỹ ở Syria sẽ bị ngưng, Wall Street Journal dẫn lời nhiều quan chức Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bước xuống chiếc Không Lực Một hạ cánh xuống sân bay quốc tế Palm Beach, bang Florida (Mỹ) ngày 29-3. Ông Trump sẽ nghỉ cuối tuần tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago. Ảnh: AP
Diễn biến mới này cho thấy phát ngôn của ông Trump ngày 29-3 muốn rút quân khỏi Syria không phải là lời nói suông. Trong tháng qua, chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu hỗ trợ các lực lượng dưới mặt đất đánh IS ở Syria giảm hẳn quy mô.
Hồi tháng 1, ông Tillerson công bố chiến lược Mỹ sẽ duy trì hiện diện ở Syria kể cả sau khi đánh sạch IS để vừa ngăn IS quay trở lại, vừa kiềm chế ảnh hưởng Iran ở Syria. Hiện Mỹ có khoảng 2.000 quân ở Syria. Thời điểm này ông Trump đồng tình với chiến lược mới của ông Tillerson, nói “việc Mỹ gắn kết Syria là chuyện sống còn”.
Chỉ mới hai tháng trước, các cố vấn ông Trump nói họ nghĩ là đã thuyết phục được ông rằng Mỹ cần duy trì hiện diện ở Syria không chỉ vì IS chưa bị đánh đuổi hoàn toàn mà cả vì nguy cơ Iran có thể thao túng quyền lực ở Syria.
Tuy nhiên, đến lúc này có vẻ ông Trump đang đặt câu hỏi về chiến lược này, theo Wall Street Journal. Ông Trump nói ông muốn thấy các nước đồng minh Mỹ ở khu vực như Saudi Arabia choàng gánh bớt chi phí Mỹ phải chịu về Syria. Nhà Trắng từng yêu cầu các nước vùng Vịnh chi nhiều tỉ USD cho công tác tái thiết Syria.
Giữa tháng 2, trong một cuộc họp nội bộ với các cố vấn hàng đầu, ông Trump nói ông muốn Mỹ rút quân khỏi Syria ngay sau khi đánh thắng IS, theo lời một số quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên nói với AP. Đây là lần đầu tiên ông Trump đề cập ý muốn rút quân khỏi Syria.
Lần đầu tiên ông Trump công khai ý định này là trong cuộc họp báo với Thủ tướng Úc Malcom Turnbull ngày 23-2, nói lính Mỹ ở Syria là “để đánh IS rồi về nhà”. Và ngày 29-3, ông Trump một lần nữa nhắc lại chủ trương này.
“Chúng ta sẽ rời khỏi Syria sớm thôi. Hãy để người khác chăm sóc Syria. Rất rớm, rất sớm thôi chúng ta sẽ rút đi” - ông Trump tuyên bố trong khi phát biểu tại bang Ohio.
Lính Mỹ đóng quân ở TP Manbij, tỉnh Aleppo, Syria. Ảnh: AP
Tuyên bố công khai này của ông Trump khiến nhiều cơ quan an ninh Mỹ trong đó có CIA bất ngờ, không xác định được liệu có phải ông Trump chính thức thông báo chính sách mới với Syria hay không. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ lập tức liên hệ với Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng để được giải thích. Tuy nhiên, câu trả lời của Nhà Trắng lại mơ hồ hơn, rằng phát ngôn của ông Trump là đại diện cho hai cơ quan này.
Nhằm xóa bỏ phần nào sự mơ hồ, sau đó Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố cho biết “chiến dịch đánh IS của Bộ Quốc phòng không thay đổi”.
Diễn biến quan trọng này đến trong bối cảnh cuộc chiến đánh IS dù đã ở giai đoạn cuối nhưng nhiều tháng nay vẫn giậm chân tại chỗ. IS chỉ còn kiểm soát 5% lãnh thổ Syria nhưng lại chống cự bền bỉ. Nhiều tháng nay, liên quân hầu như không đẩy lùi được mấy. Theo Wall Street Journal, nếu Mỹ rút khỏi Syria đồng nghĩa để mặc quyền kiểm soát cục diện Syria cho Iran và Nga.
Tuy nhiên, theo AP, lời nói của ông Trump không phải là chính sách hiện tại của Mỹ với Syria. Nói với AP, nhiều quan chức Mỹ cho biết các cơ quan chưa hề bắt tay lên kế hoạch rút khỏi Syria khi ông Trump chưa có đường hướng rõ ràng nào cũng như chưa đưa ra thời gian biểu cụ thể.