Theo hãng tin Reuters, cuộc họp diễn ra có sự góp mặt của các đại diện đến từ Argentina, Brazil, Mỹ, Colombia, Chile và Peru, là các quốc gia đã ký kết Hiệp ước Hỗ tương Liên Mỹ châu (TIAR) - một hiệp ước với mục đích nhằm bảo vệ lẫn nhau giữa các thành viên của Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS).
Các quốc gia này vào tháng 9 đã phê chuẩn việc nhận dạng danh tính, quyết định xử phạt và dẫn độ các thành viên của chính phủ Venezuela, những người có liên quan đến các hoạt động rửa tiền, buôn bán ma túy và khủng bố.
Danh sách những người bị cấm nhập cư tới 15 quốc gia TIAR hôm 3-12 cũng bao gồm các đồng minh hàng đầu của Maduro như Bộ trưởng Ngoại giao Jorge Arreaza, Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino, Phó Tổng thống Delcy Rodriguez và Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela, Diosdado Cabello.
Tuy nhiên, ông Cabello đã đưa lời phản đối với hành động của các nước TIAR.
“Tôi không đồng ý với những hành vi áp đặt và kiểm soát này của các đồng minh phương Bắc lên các vấn đề nội bộ của Venezuela. Đất nước chúng tôi yêu cầu sự tôn trọng", ông Cabello nói, sau cuộc tuần hành phản đối lại cuộc họp ở Caracas.
Các bộ trưởng ngoại giao từ các quốc gia thuộc Hiệp ước Hỗ tương Liên Mỹ châu (TIAR), gặp nhau tại Bogota, Colombia ngày 3-12-2019. Ảnh: REUTERS
Khoảng 500 người có liên quan đến Maduro đều đã bị kết tội với các biện pháp trừng phạt khác nhau, theo ông Julio Borges, người tham dự cuộc họp với tư cách là người đại diện của phe đối lập do Juan Guaido lãnh đạo. Ông Guaido đầu năm nay tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela và được nhiều nước phương Tây ủng hộ.
Các nước tại cuộc họp hôm 3-12 đã thảo luận về các biện pháp mới, nhằm "hỗ trợ tái thiết lập nền dân chủ và nhân quyền" ở Venezuela, như một phần trong chiến lược ngăn chặn dân di cư từ nước này, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Colombia, ông Elizabethia Blum.
“Sẽ không có bất kỳ quyết định đơn phương, cũng như lời đề nghị sử dụng vũ lực nào trong cuộc họp này", Tổng thống Colombia Ivan Duque nói. “Chỉ có phương hướng tăng cường áp lực ngoại giao mới có thể tạo được hiệu quả hơn".
Colombia hiện là điểm đến chính của những người di cư từ Venezuela, chạy trốn khỏi tình trạng thiếu lương thực và thuốc men của đất nước họ. Ước tính gần 1,5 triệu người Venezuela hiện đang cư trú tại Colombia.
Các quốc gia châu Mỹ nên tránh các vấn đề “nhạy cảm” khi đối mặt với một quốc gia đang gặp khủng hoảng khu vực như Venezuela và thay vào đó nên thúc đẩy đối thoại, theo ông Hugo de Zela, đại sứ Peru tại Mỹ và ứng cử viên cho chức tổng thư ký của OAS, nói với Reuters bên lề cuộc họp.