Ngày 12-2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper có phản ứng về việc Philippines chính thức hủy Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) ký với Mỹ năm 1998, báo Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin.
Mỹ: Philippines đi sai đường
Theo ông Esper, Philippines đã có “bước đi sai đường” với “quan hệ lâu dài” giữa hai nước và đối với địa điểm chiến lược của Philippines.
Ông Esper nói bước đi hủy thỏa thuận quân sự VFA có tuổi đời 22 năm là đáng tiếc, trong bối cảnh Mỹ cố gắng đẩy cao sự hiện diện và cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Binh sĩ Philippines và binh sĩ Mỹ tập trận chung năm 2015. Ảnh: AFP
Trước khi Bộ trưởng Esper lên tiếng, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cảnh báo bước đi nghiêm trọng từ phía Manila sẽ ảnh hưởng đến liên minh Mỹ - Philippines. Ông Sung Kim cũng nói Mỹ “sẽ xem xét kỹ cách tốt nhất để thúc đẩy những lợi ích chung của cả hai nước".
Ngày 11-2, văn phòng tổng thống Philippines thông báo Tổng thống Rodrigo Duterte chính thức thông qua quyết định chấm dứt VFA - vốn quy định các điều khoản pháp lý cho các cuộc tập trận chung và các hoạt động của binh sĩ Mỹ ở Philippines như huấn luyện và tham gia các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.
Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực trong 180 ngày. Trong thời gian này, hai nước vẫn có thể đàm phán thêm.
Thực ra khả năng hủy thỏa thuận VFA đã được ông Duterte đề cập từ khi mới nhậm chức năm 2016, khi ông muốn sắp xếp lại chính sách đối ngoại Philippines tiếp cận gần hơn với Trung Quốc. Ông Duterte cũng nhiều lần đặt câu hỏi liệu Mỹ sẽ bảo vệ quyền lợi của Philippines trong tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tháng 2-2019. Ảnh: REUTERS
Ông Duterte nhắc lại ý định hủy thỏa thuận VFA từ tháng trước, sau khi Mỹ hủy thị thực của một trong các đồng minh chính trị của ông - cựu cảnh sát trưởng Philippines từng có 2 năm giám sát chiến dịch truy quét ma túy đầy tranh cãi do ông Duterte phát động.
Lên tiếng từ Manila tối 10-2, một ngày trước khi chính thức thông báo hủy thỏa thuận, ông Duterte nói: “Ông Trump và nhiều người khác đang cố gắng cứu Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng. Tôi nói tôi không muốn nó”.
Ai được lợi?
Theo SCMP, việc hủy Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng sẽ là bước đi đầu tiên của Philippines tiến tới cắt bỏ quan hệ quốc phòng với Mỹ.
Thời điểm thông báo quyết định này, ông Salvador Panelo, phát ngôn viên tổng thống Philippines, dẫn lời ông Duterte rằng: "Đã đến lúc chúng ta phải tự lực, Philippines sẽ củng cố năng lực phòng thủ của mình và không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác".
Thủy quân lục chiến Philippines và Mỹ trong một cuộc tập trận tấn công ở bờ biển năm 2014. Ảnh: AFP
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu cấp cao Malcolm Cook tại Viện ISEAS-Yusof Ishak Institute (Singapore, nghiên cứu về chính trị - an ninh - xã hội ở Đông Nam Á), việc thỏa thuận VFA bị hủy là một tổn thất với an ninh nội địa Philippines.
Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nói các hoạt động quân sự chung, trong đó có việc Mỹ huấn luyện binh sĩ Philippines, sẽ bị cắt một khi thỏa thuận VFA không còn. Philippines khả năng sẽ khó tiếp cận hàng triệu USD tiền hỗ trợ quân sự từ Mỹ. Chưa kể, các quan hệ thương mại cũng có thể bị tổn thương một khi thỏa thuận VFA bị hủy.
Nước được lợi nhiều nhất trong việc này là Trung Quốc, theo ông Cook, khi thỏa thuận VFA bị hủy sẽ đưa nhiều nước Đông Nam Á tiến gần hơn với Bắc Kinh một khi sự hỗ trợ của Mỹ với quân đội Philippines giảm.
Với việc thỏa thuận VFA bị hủy, Philippines và Mỹ còn lại hai thỏa thuận quân sự: Hiệp ước phòng thủ chung (MDT, quy định hai bên sẽ bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một bên bị lực lượng nước ngoài tấn công) và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA, cho phép quân đội Mỹ sử dụng năm căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines). Tuy nhiên, khả năng hai thỏa thuận quân sự này cũng sẽ bị ảnh hưởng từ việc thỏa thuận VFA bị hủy.