Philippines chính thức hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ

Hôm 11-2, phát ngôn viên Tổng thống Philippines - ông Salvador Panelo tuyên bố Tổng thống Rodrigo Duterte đã chính thức thông qua quyết định chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng quân sự (VFA) ký với Mỹ năm 1998, tờ The Philippine Daily Inquirer đưa tin.

Đây là thỏa thuận cung cấp cơ sở pháp lý cho hàng ngàn binh lính Mỹ sang Philippines tập trận, huấn luyện và tham gia các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.

Lực lượng Mỹ-Philippines diễn tập đổ bộ bờ biển tại tỉnh Zambales (Philippines) hồi tháng 10-2018. Ảnh: AFP 

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cũng đã được lệnh ký và gửi thông báo hủy VFA cho chính phủ Mỹ trong ngày.

Mỹ: Liên minh sẽ bị ảnh hưởng

Theo các điều khoản được quy định trong VFA, việc rút khỏi thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực trong 180 ngày, khoảng thời gian để hai bên có thể đàm phán về vấn đề này.

"Đã đến lúc chúng ta phải tự lực, Philippines sẽ củng cố năng lực phòng thủ của mình và không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác", phát ngôn viên Salvador Panelo dẫn lời ông Duterte khẳng định. 

Phản ứng trước động thái của ông chủ điện Malacanang, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cảnh báo bước đi nghiêm trọng từ phía Manila sẽ ảnh hưởng đến liên minh Mỹ - Philippines.

"Chúng tôi sẽ xem xét kỹ cách tốt nhất để thúc đẩy những lợi ích chung của cả hai nước", ông Sung lên tiếng. 

Philippines sẽ yếu thế trước Trung Quốc ở biển Đông

Bình luận về những diễn biến ở Manila, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển thuộc ĐH Philippines - ông Jay Batongbacal khẳng định VFA là công cụ hiệu quả giúp Philippines kiềm chế được các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên thực địa, trong đó có bãi cạn Scarborough đang tranh chấp. 

Cụ thể, các chiến đấu cơ A-10 Warthogs và F/A-18 từ Hạm đội 7 Hải quân Mỹ khiến Trung Quốc phải từ bỏ ý đồ bồi đắp trái phép bãi cạn Scarborough. Ông Batongbacal cho biết ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng đã thừa nhận điều này. 

"Philippines không phải chưa từng trải qua điều này. Chúng ta đã duy trì hợp tác quân sự với Mỹ mà không có VFA từ năm 1992 đến 1999. Tuy nhiên, đó cũng là giai đoạn Trung Quốc đưa chiếm đá Vành khăn (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Philippines chiếm đóng trái phép trước năm 1995, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép sau năm 1995  - PV)", ông Batongbacal nói. 

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines Johnny Pimentel cho rằng nếu VFA bị huỷ, Washington sẽ không thể viện trợ kịp thời cho Philippines như trong các đợt bão và động đất trước đây. Gần 300 chiến dịch tập trận và hợp tác quân sự với Mỹ cũng sẽ biến mất theo VFA.

Mỹ và Philippines còn lại những hiệp ước gì?

Ở thời điểm hiện tại, giữa hai nước chỉ còn lại hai thỏa thuận quân sự lớn, gồm Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA). MDT quy định hai bên sẽ bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một bên bị lực lượng nước ngoài tấn công, còn EDCA cho phép quân đội Mỹ sử dụng năm căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines.

Chính quyền Tổng thống Duterte cũng được cho là đang đợi báo cáo đánh giá ảnh hưởng của việc hủy VFA lên hai thỏa thuận còn lại. 

"Nếu VFA bị hủy, EDCA không thể tồn tại một mình vì nền tảng của EDCA là VFA. Do vậy, nếu VFA không còn thì EDCA cũng không thể phát huy tác dụng. Nếu cả VFA và EDCA đều biến mất thì việc thực thi MDT không có ý nghĩa gì nữa", Thượng nghị sĩ Philippines Franklin Drilon trả lời phỏng vấn của đài CNN ngày 10-2. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm