Năm 2026 sẽ hoàn thành cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

(PLO)- Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định nếu vấn đề giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp được bảo đảm, chỉ mất 1,5-2 năm để hoàn thành cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 17-6, tiếp tục kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Các ý kiến đều tán thành dự án khi đưa vào vận hành sẽ góp phần giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

nam-2026-se-hoan-thanh-cao-toc-gia-nghia-chon-thanh-tran-van-tien.jpg
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc). Ảnh: PHẠM THẮNG

Năm 2026 hoàn thành dự án, có khả thi?

Đại biểu (ĐB) Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi với các mốc tiến độ dự án đã đặt ra. “Dự kiến năm 2024 sẽ giải phóng mặt bằng, năm 2024 và năm 2025 thi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2026, tôi cho là khó khả thi. Bởi đến nay dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và chưa điều chỉnh cục bộ hướng tuyến” - ĐB Tiến đặt vấn đề.

Còn ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh theo báo cáo số hộ dân cần bồi hoàn lên tới 1.299 hộ dân, phải thu hồi 46 ha đất rừng, hơn 1.000 ha đất nông nghiệp. “Đây là các con số rất lớn, các địa phương cần quan tâm giải quyết vì chậm giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án” - ông Hòa nói.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được triển khai trong một giai đoạn rất thuận lợi khi đã có kinh nghiệm triển khai rất nhiều các dự án đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc. “Thời gian thực hiện dự án này được tính toán dựa trên kinh nghiệm thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2, thông thường chỉ khoảng 1,5 năm, còn hai năm là quá dài” - ông Thắng nói.

Năm 2026 sẽ hoàn thành cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại phiên thảo luận sáng 17-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Dẫn chứng, ông Thắng cho biết đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 khởi công vào ngày 1-1-2023, các dự án này gặp rất nhiều khó khăn về nguyên vật liệu và giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, khi giải quyết được các nút thắt này thì thời gian thực hiện rất nhanh, tối đa không quá 24 tháng, nhiều dự án rút ngắn thời gian khoảng tám tháng.

Với dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, do không phải đấu thầu tìm đơn vị xây lắp nên việc triển khai rất thuận lợi. Ngoài ra, hiện nay hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước cũng đã giải phóng mặt bằng xong, chuẩn bị sẵn sàng cho khởi công dự án, đồng thời bố trí đủ trữ lượng mỏ vật liệu để phục vụ xây dựng.

“Sau khi QH phê duyệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo và hai địa phương sẽ tích cực giải phóng mặt bằng và dự kiến khởi công ngay trong năm 2024” - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

p2+3-pham-van-thinh.jpg
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) tại phiên thảo luận sáng 17-6. Ảnh: PHẠM THẮNG

Băn khoăn doanh thu của dự án

Về doanh thu của dự án, ĐB Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) dẫn báo cáo của Chính phủ và Bộ GTVT về nhu cầu xe vận tải qua tuyến đường này khá thấp. Cụ thể đến năm 2030, đoạn tuyến cao nhất mới có 7.600 xe đi qua trong một năm (tức gần 20 xe/ngày đêm và khoảng 1 xe/giờ). Đến năm 2045 có khoảng 23.000 xe đi qua trong một năm, tức khoảng 60 xe/ngày đêm. “Đây là những số liệu chúng ta cần hết sức cân nhắc, đánh giá” - ĐB Thịnh nói.

Để giải quyết tình huống này, ĐB cho rằng trong hợp đồng bắt buộc phải có một điều khoản về trường hợp bắt buộc phải thu hẹp, rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng dự án BOT. Theo ông, trước đây khi chưa có Luật PPP, chúng ta đã có điều khoản đó và qua kiểm toán, một số dự án đã được rút ngắn thời gian. Luật PPP chưa đề cập đến tình huống doanh thu thực tế quá thấp so với dự báo thì rút ngắn thời gian thực hiện dự án của hợp đồng PPP thế nào?

“Những số liệu dự báo thế này thực ra hơi đặc biệt, chúng ta không thể làm một con đường mà quy mô mỗi ngày chỉ có 60 xe đi qua” - ĐB Thịnh nói và cho rằng nghị quyết QH cũng cần đề cập đến việc này để sau này có căn cứ thực hiện.

Các ĐBQH cũng cho rằng khi dự án hoàn thành có thể tác động đến hai dự án BOT song hành tại đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14 như phải chia sẻ lưu lượng vận tải, vận chuyển...

nam-2026-se-hoan-thanh-cao-toc-gia-nghia-chon-thanh-tran-van-tien-trinh-lam-sinh.jpg
Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang). Ảnh: PHẠM THẮNG

Do đó, ĐB Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) đề nghị cần tính đến lợi ích của các nhà đầu tư có dự án BOT đã có và lợi ích của nhà đầu tư tham gia dự án này để họ có thể thu hồi vốn. Bởi theo ông đây là vấn đề rất quan trọng vì nếu dự án không đủ hấp dẫn thì sẽ dẫn đến hàng loạt hệ quả xấu khác…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho hay theo phương án tài chính đã trình, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được quy hoạch sáu làn xe và thi công xây dựng hoàn chỉnh bốn làn xe với 50% phần vốn nhà nước tham gia. Dự kiến đến năm 2045 sẽ tiếp tục mở rộng thêm hai làn xe. “Dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, khoảng 18 năm. Đây là điểm mà các nhà đầu tư giao thông rất yêu thích và các ngân hàng cũng đồng tình” - ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, hiệu quả tài chính và thời gian thu hồi vốn của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành tương đồng với ba dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông vừa hoàn thành và chuẩn bị đưa vào thu phí. Với việc đã có nhà đầu tư quan tâm và đề xuất thực hiện, ông Thắng nhận định dự án này có tính khả thi cao. Ngoài ra, ông cũng nhắc đến một phương án khác là Nhà nước đầu tư toàn bộ dự án, sau đó nhượng quyền thu phí. Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tin “không phải sử dụng tới giải pháp này”.

Về tác động của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành với các dự án BOT song hành, ông Thắng cho hay Chính phủ đã lường trước và yêu cầu Bộ GTVT trình phương án xử lý, tháo gỡ các dự án BOT bị ảnh hưởng. Bộ GTVT cũng đã trình, trong đó đề xuất một số phương án tùy theo mức độ ảnh hưởng thực tế.

“Có thể kéo dài thời gian thu phí nếu hai dự án BOT bị ảnh hưởng nhưng vẫn bảo đảm lưu lượng xe và khả năng tài chính. Trong trường hợp doanh thu quá dài sẽ cân đối, xem xét để bổ sung hỗ trợ một phần ngân sách nhà nước cho hai dự án và tiếp tục thu phí” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm

Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô sáu làn xe, giai đoạn phân kỳ đầu tư dài 128,8 km. Đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông dài 27,8 km, qua tỉnh Bình Phước dài 101 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.500 tỉ đồng, gồm gần 12.800 tỉ đồng vốn nhà nước, còn lại do nhà đầu tư thu xếp.

Dự kiến dự án được triển khai thành năm dự án thành phần, đầu tiên là cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành theo phương thức đối tác công tư (loại hợp đồng BOT), thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm. Bốn dự án thành phần còn lại là giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, triển khai theo hình thức đầu tư công.

Để bảo đảm tính khả thi, Chính phủ cũng kiến nghị QH chấp thuận bố trí 8.770 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để thực hiện dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm