Nan giải tình thế các công ty Mỹ ở Hong Kong

Sau hàng thập niên không thể đáp ứng các yêu cầu từ bộ máy kiểm duyệt thông tin quy mô của Trung Quốc đại lục, nhiều gã khổng lồ Thung lũng Silicon (Mỹ) đã chuyển sang hoạt động ở Hong Kong nhờ vào thể chế chính trị độc lập của đặc khu này đảm bảo được sự tự do thông tin trên internet.

Nhưng một điều luật mới đã trao thêm quyền hạn cho chính quyền Hong Kong được phép điều chỉnh thông tin trực tuyến (còn gọi là Vạn lý Trường thành trên mạng hay Vạn lý Tường lửa - The Great Firewall). Quyền lực này có thể sẽ xung đột với quyền lợi của các tập đoàn công nghệ Mỹ và buộc họ phải hoàn toàn rời khỏi Hong Kong.

Theo luật an ninh quốc gia vừa có hiệu lực, cảnh sát Hong Kong có quyền yêu cầu các nền tảng hoạt động trực tuyến và nhà cung cấp mạng gỡ bỏ những nội dung có khả năng đe doạ đến an ninh của đại lục và Hong Kong. Nếu không thực hiện, đại diện các tập đoàn này phải đối mặt với khoản phạt gần 13.000 USD cùng sáu tháng tù giam.

Ngay cả khi bảy triệu cư dân của đặc khu này chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong thị phần thì Hong Kong vẫn rất quan trọng đối với các tập đoàn công nghệ nước ngoài, nhờ vào chính sách cởi mở cùng khả năng tiếp cận Trung Quốc và khu vực châu Á – Thái Bình Dương của đặc khu này.

"Hong Kong không phải là một thị trường khổng lồ, nhưng lại có ý nghĩa biểu tượng quan trọng" - ông Adam Segal, Giám đốc chương trình không gian mạng và kỹ thuật số của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) khẳng định.

Tuy nhiên lúc này, Hong Kong đang bắt đầu phải nếm trải một cuộc sống trong Vạn lý Tường lửa (The Great Firewall) của đại lục, và các công ty sẽ phải đề cao cảnh giác.

Cô Sharron Fast - Phó Giám đốc chương trình đạo tạo sau đại học về báo chí – truyền thông của Đại học Hong Kong cho rằng: "Ngay cả các luật sư Hong Kong cũng không thể đưa ra lời khuyên hoặc hướng dẫn rõ ràng về những nhân tố cấu thành hành vi phạm tội. Bởi vì các điều khoản của luật an ninh mới có nội hàm rộng đến mức ngay cả việc chỉ hô khẩu hiệu chống đối cũng có thể bị bắt giữ".

Mắc kẹt

Ngay sau khi luật an ninh có hiệu lực, các tập đoàn công nghệ như Facebook (FB), Twitter (TWTR), Google (GOOGL) và Microsoft (MSFT) đã tuyên bố tạm thời ngừng đáp ứng bất kỳ yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng nào từ chính quyền Hong Kong. Trong khi đó TikTok (thuộc sở hữu của công ty ByteDance ở Trung Quốc) quyết định chấm dứt hoàn toàn hoạt động ở đặc khu này.

Nền tảng ứng dụng Tiktok chấm dứt hoạt động ở Hong Kong - Ảnh: PIXABAY

"Các công ty quan ngại về tác động của luật an ninh đối với người dùng, nhân viên và giám đốc điều hành của họ, cũng như dư luận quốc tế lo lắng khuôn khổ luật pháp mới sẽ thúc đẩy hơn nữa tình trạng lạm dụng nhân quyền" - theo ông Raman Jit Singh Chima, Giám đốc mảng chính sách châu Á của tổ chức Access Now chuyên về quyền của người dùng trên internet.

Giới chuyên gia cũng cho rằng các công ty đã lên kịch bản cho việc rút khỏi Hong Kong, mặc dù vẫn muốn chờ xem Trung Quốc sẽ tiến xa đến mức nào trong việc kiểm soát internet ở đặc khu này.

"Họ sẽ chờ xem chính phủ yêu cầu cụ thể ra sao, và vẫn có thể rời đi khi bị buộc phải đưa ra quyết định ngay sau đó" - theo ông Segal.

Một cửa hàng của tập đoàn Apple ở Hongkong - Ảnh: AFP

Luật an ninh mới còn có điều khoản với câu chữ không rõ ràng, hàm ý mở rộng phạm vi áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội được thực hiện bởi “cá nhân không phải công dân thường trú (ở Hong Kong)”. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép chính phủ Trung Quốc thực thi luật này trên bất kỳ nền tảng internet nào cũng như ở bất kỳ đâu.

Ông Scott Kennedy - một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ) nói: "Tôi nghĩ điều này không chỉ tác động cụ thể đến các công ty công nghệ cao, mà còn khiến người dân ở bất kỳ đâu cũng phải rùng mình".

Điều khoản mơ hồ trên có thể thúc đẩy các giới thông tấn quốc tế phải tự kiểm duyệt thông tin ở một mức độ nhất định. Các chuyên gia cũng đặt ra nghi vấn về khả năng của Trung Quốc nhằm áp đặt chế tài đối với các nền tảng công nghệ nằm ngoài lãnh thổ của họ.

“Đây sẽ là một quyết định thực sự vượt quá năng lực thực thi của Trung Quốc” - ông Kennedy nhận định.

Các tập đoàn Facebook, Twitter và Microsoft cho biết sẽ tiếp tục rà soát và nghiên cứu các tác động từ luật an ninh đến hoạt động kinh doanh của họ.

"Chúng tôi đã lập ra các nhóm để đánh giá tổng thể bộ luật, đặc biệt đối với một số điều khoản có tính mơ hồ và không được định nghĩa rõ ràng" - một phát ngôn viên của nền tảng mạng xã hội Twitter cho biết.

Trong khi đó phát ngôn viên của Facebook cho biết sẽ thẩm định lại bộ luật này một lần nữa sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia về nhân quyền.

"Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận là quyền cơ bản của mọi người và ủng hộ quyền tự do biểu đạt ý kiến cá nhân không bị bất cứ bên nào đe doạ" - đại diện Facebook nhấn mạnh.

Phát ngôn viên của Microsoft cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Chỉ có tập đoàn Google không đưa ra bình luận về vấn đề này mặc dù vẫn đang hoạt động và có thị phần đáng kể ở Hong Kong.

Cả hai tập đoàn Apple (AAPL) và Microsoft đều gặp nhiều rủi ro hơn với luật an ninh khi đều đang đặt chuỗi nhà máy các sản phẩm phần cứng ở Trung Quốc đại lục, theo ý kiến của ông Steven Feldstein - nghiên cứu viên cộng tác tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế.

"Các công ty này, đặc biệt là Apple, thực sự gặp khó vì họ có quá nhiều thứ để mất, đặc biệt là với số lượng sản phẩm phần cứng mà họ gia công cho iPhone" - ông Feldstein nói.

Apple trước đó đã nhiều lần bị mắc kẹt trong các vấn đề mâu thuẫn giữa Hong Kong và Trung Quốc. Gần đây nhất là vào tháng 10 năm ngoái khi họ quyết định gỡ bỏ khỏi nền tảng App Store - một ứng dụng bản đồ được các nhóm ủng hộ biểu tình sử dụng để theo dõi sự di chuyển của cảnh sát Hong Kong.

Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn ở Hong Kong - Ảnh: AFP

Theo đài CNN, Apple hiện vẫn chưa đưa ra bình luận gì dù trước đó có thông báo trên tờ Bloomberg rằng họ đang rà soát lại luật an ninh.

Đâu sẽ là điểm đến mới?

Chính sách tự do thông tin trên mạng internet của Hong Kong là hệ quả của một thỏa thuận năm 1997 giữa Trung Quốc và Anh. Anh trao lại toàn bộ lãnh thổ Hong Kong cho chính phủ Trung Quốc theo nguyên tắc gọi là "nhất quốc, lưỡng chế" hay “một quốc gia, hai chế độ”. Theo đó chính quyền Hong Kong có nhiệm vụ "bảo vệ mọi quyền và sự tự do của công dân" trong thời gian 50 năm.

Tuy nhiên hiện nhiều ý kiến lo ngại luật an ninh quốc gia sẽ một bước tiến lớn tiếp theo của Bắc Kinh trong việc từng bước tăng cường kiểm soát Hong Kong. Một số quốc gia bao gồm Mỹ , Anh và Úc đã lên tiếng phản đối bộ luật, kèm theo một số cảnh báo hạn chế công dân của họ đến Hong Kong.

"Rõ ràng là phía Trung Quốc không thông qua bộ luật chỉ đơn giản vì muốn tự huyễn hoặc rằng họ đang kiểm soát Hong Kong. Họ thực sự muốn kiểm soát và thay đổi mọi thứ ở đây" - theo ông Kennedy.

Nhiều công ty công nghệ giờ đây đang tính đến kịch bản di chuyển đến Singapore trong trường hợp họ buộc phải rời khỏi Hong Kong.

"Nếu (Hong Kong) là một được chọn là tâm điểm kết nối khu vực, hoặc các công ty ở đó chỉ vì sự an toàn mà luật pháp của chính quyền đặc khu có thể cung cấp  ... thì nay các lợi thế đó đã chuyển thành thách thức với họ. Và sự dịch chuyển là tất yếu” - ông Kennedy nhận định.

  

Đại diện thương mại Mỹ lo ngại về tương lai kinh tế Hong Kong


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm