NATO cho biết Nga phải phá hủy hệ thống tên lửa hành trình hạt nhân tầm ngắn của mình. Nếu không Nga sẽ phải đối mặt với hành động đáp trả quyết liệt hơn của liên minh NATO.
Trước đó, Mỹ đã tuyên bố sẽ từ bỏ hiệp ước tên lửa ký kết hàng thập kỷ trước với Nga nếu Nga không phá hủy tên lửa được NATO đặt tên là SSC-8.
Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung 1987 (INF) giữa Mỹ và Nga đã loại bỏ các tên lửa hạt nhân và tên lửa thông thường tầm ngắn (500-1000 km) và tầm trung (1000-5500 km), cũng như bệ phóng của chúng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi một cuộc tập trận vào ngày 18-9-2017 gần Saint Petersburg, Nga. Ảnh: CNBC.
NATO cho biết SSC-8 vi phạm các điều khoản đó của INF và Nga đã triển khai hệ thống này tại các địa điểm có thể đe dọa các quốc gia trên khắp châu Âu.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels hôm 25-6, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg nói rằng Nga chỉ có năm tuần để loại bỏ hệ thống và cứu hiệp ước này, CNBC đưa tin.
“Chúng tôi kêu gọi Nga hãy chọn con đường có trách nhiệm, nhưng chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy là Nga có ý định làm như vậy”, ông Stoltenberg nói. “Chúng tôi sẽ phải đáp trả,” ông nói thêm.
Ông Stoltenberg sẽ chủ trì một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng thành viên NATO, dự kiến bắt đầu vào ngày 26-5. Ông nói rằng các bộ trưởng, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, sẽ xem xét các bước tiếp theo của NATO, “trong trường hợp Nga không tuân thủ”.
Người đứng đầu NATO cho biết, phản ứng của NATO sẽ là “phòng thủ, thận trọng và phối hợp”, nhưng không dẫn đến việc triển khai tên lửa hạt nhân trên đất liền.
“Sau khi Nga đang triển khai các tên lửa mới, chúng tôi phải đảm bảo khả năng răn đe của chúng tôi có hiệu quả. Đây là công việc của NATO”.
Trong cùng cuộc họp báo này, ông Stoltenberg đã nêu lên sự thất bại trong việc đóng góp của từng quốc gia thành viên đối với ngân sách quốc phòng.
Điều lệ của NATO yêu cầu ngân sách quốc phòng chiếm 2% GDP của mỗi nước nhưng chỉ có khoảng 7 trong số 29 quốc gia dự kiến sẽ đáp ứng được mục tiêu này vào năm 2019.
Những quốc gia đó là Latvia, Ba Lan, Romania, Anh, Estonia, Hy Lạp và Mỹ. Mỹ cho đến nay là quốc gia chi tiêu lớn nhất cho quốc phòng, khoảng 3,5% tổng GDP của nước này.
NATO cho biết, ước tính trong năm 2019, chi tiêu quốc phòng của các thành viên NATO sẽ tăng khoảng 3,9% so với mức của năm 2018.