NATO tổ chức tập trận lớn với Phần Lan, Thụy Điển, Ukraine... sát biên giới Nga

(PLO)- NATO bắt đầu một cuộc tập trận lớn mang tên 'Hedgehog 2022' với các nước đối tác ở Estonia, nằm sát biên giới với Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-5, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu một cuộc tập trận lớn ở Estonia. Với tên gọi 'Hedgehog 2022' - đây là một trong những cuộc diễn tập lớn nhất trong lịch sử quốc gia Baltic, theo đài RT.

Tập trận sát biên giới Nga

Theo thông tin chính thức từ NATO, các hoạt động diễn tập sẽ có sự tham gia của khoảng 15.000 quân từ 14 quốc gia, bao gồm cả các thành viên của liên minh và các đối tác bên ngoài của họ. Đáng chú ý, cuộc tập trận được tổ chức ở khu vực chỉ cách biên giới Nga 60 km.

Các nước đối tác của NATO sẽ tham gia diễn tập bao gồm Phần Lan, Thụy Điển, Georgia và Ukraine. Theo kế hoạch, Hedgehog 2022 bao gồm các cuộc tập trận trên không, trên biển và trên bộ, cũng như huấn luyện tác chiến mạng.

Xe tăng của Thụy Điển và Phần Lan tham gia cuộc tập trận mang tên "Cold Response 2022", với các nước thành viên NATO ở Na Uy ngày 22-3. Ảnh: REUTERS

Xe tăng của Thụy Điển và Phần Lan tham gia cuộc tập trận mang tên "Cold Response 2022", với các nước thành viên NATO ở Na Uy ngày 22-3. Ảnh: REUTERS

Các cuộc tập trận diễn ra chỉ một ngày sau khi Phần Lan và Thụy Điển chính thức công bố kế hoạch gia nhập NATO, và đã được lên kế hoạch từ rất lâu trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, các quan chức phương Tây cho biết.

Theo một thông báo của NATO, ​​tàu đổ bộ lớp Wasp ‘Kearsarge’ của Hải quân Mỹ cũng tham gia tập trận. Liên minh khẳng định các cuộc tập trận không có bất kỳ liên quan nào đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Chỉ là một trong nhiều cuộc tập trận trong năm nay

Tuy nhiên, các cuộc tập trận ở Estonia chỉ là một phần trong các hoạt động quân sự quy mô lớn của NATO gần biên giới Nga. Một quốc gia Baltic khác là Lithuania đang tổ chức cuộc tập trận ‘Sói sắt’, với sự tham gia của 3.000 quân NATO và 1.000 thiết bị quân sự, bao gồm xe tăng Leopard 2 của Đức.

Hai trong số các cuộc tập trận lớn nhất của NATO - ‘Defender Europe’ và ‘Swift Response’ - đang diễn ra ở Ba Lan và 8 quốc gia khác, với sự tham gia của 18.000 quân từ 20 quốc gia, theo tuyên bố của NATO ngày 13-5.

Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận mang tên "Cold Response 2022" ở Na Uy ngày 22-3. Ảnh: REUTERS

Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận mang tên "Cold Response 2022" ở Na Uy ngày 22-3. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, Lực lượng Ứng phó NATO hiện đang tham gia cuộc tập trận ‘Wettiner Heide’ ở Đức.

Địa Trung Hải là nơi sẽ diễn ra ​​cuộc tập trận hải quân ‘Neptune series’ với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay USS ‘Harry S. Truman’. Nhóm tàu sân bay sẽ được đặt dưới quyền chỉ huy của NATO. Đây là lần thứ hai kể từ sau Chiến tranh Lạnh, một nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ diễn tập dưới quyền chỉ huy của NATO.

Vào tháng 6, các nước Baltic và Ba Lan sẽ tổ chức cuộc diễn tập mà NATO mô tả là “cuộc tập trận phòng thủ tên lửa và phòng không tổng hợp lớn nhất của châu Âu”, với sự tham gia của 23 quốc gia.

Cuối tháng 4, Phần Lan đăng cai tổ chức các cuộc tập trận hải quân của NATO. Giờ đây, nước này cũng đang tổ chức một cuộc tập trận chung trên đất liền, với sự tham gia của quân đội Mỹ, Anh, Estonia và Latvia.

“Các cuộc tập trận như thế này cho thấy NATO vững vàng và sẵn sàng bảo vệ các quốc gia thành viên và chống lại bất kỳ mối đe dọa nào” - bà Oana Lungescu, phát ngôn viên của NATO nói.

Bà cho biết thêm rằng các cuộc tập trận “giúp loại bỏ bất kỳ tính toán sai lầm hoặc hiểu lầm nào về quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ và giữ vừng từng tấc đất của các nước đồng minh".

Các cuộc tập trận quân sự lớn đang diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga, NATO và một số đối tác của khối quân sự. Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài với Nga và Thụy Điển đã quyết định xem xét lại chính sách không liên kết vốn được duy trì hàng thập niên qua, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Diễn biến này đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ Moscow, trong đó cảnh báo rằng nước này sẽ phải đáp trả nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Moscow khẳng định họ coi sự mở rộng của NATO là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm