Đó là nhận định được bộ phận dự báo và phân tích rủi ro Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist của Anh nêu trong bản đánh giá 10 rủi ro lớn nhất toàn cầu.
10 rủi ro được công bố ngày 16-3 (giờ địa phương) như sau:
1. Kinh tế Trung Quốc trải qua cuộc “hạ cánh cứng”.
2. Hành động can thiệp của Nga ở Ukraine và Syria khơi mào chiến tranh lạnh mới.
3. Bất ổn tiền tệ lên đến đỉnh điểm là khủng hoảng nợ doanh nghiệp ở các thị trường đang nổi.
4. EU rạn nứt vì bị các áp lực trong và ngoài EU bao vây.
5. Hy Lạp ra đi, sau đó khu vực đồng euro tan rã.
6. Ông Donald Trump giành chiến thắng trong bầu cử tổng thống Mỹ.
7. Mối đe dọa gia tăng từ khủng bố thánh chiến gây bất ổn kinh tế toàn cầu.
8. Anh bỏ phiếu rời khỏi EU.
9. Trung Quốc bành trướng thúc đẩy xung đột vũ trang ở biển Đông.
10. Ngành dầu khí sụp đổ trong đầu tư gây ra cú sốc giá dầu.
Trang Politico dẫn báo cáo của EIU ghi nhận EIU không kỳ vọng Donald Trump có thể đánh bại đối thủ đảng Dân chủ - cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Tuy nhiên, nếu xảy ra tấn công khủng bố ở Mỹ hoặc kinh tế suy sụp, Trump có thể sẽ bước vào tòa nhà số 1600 trên đại lộ Pennsylvania (Nhà Trắng).
Nếu điều đó xảy ra, thái độ chống đối tự do thương mại và đặc biệt là thái độ căm ghét Mexico và Trung Quốc của Trump có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh thương mại.
EIU cũng nhận định xu hướng quân phiệt với Trung Đông của Trump cùng lệnh cấm tín đồ Hồi giáo đến Mỹ sẽ trở thành công cụ tuyển mộ hiệu quả cho các nhóm khủng bố thánh chiến.
EIU cảnh báo ngay cả khi các chính sách cực đoan hơn của Trump bị đảng Dân chủ và các đảng viên Cộng hòa phong tỏa thì tình hình tranh cãi nội bộ cũng sẽ làm suy yếu tính cố kết trong công việc lập chính sách đối nội và đối ngoại.