Nga chấp nhận gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, đòi hỏi nhiều hơn về xuất khẩu phân bón

(PLO)- Nga chấp nhận việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine, muốn LHQ dỡ bỏ những hạn chế trong việc xuất khẩu phân bón.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-11, Bộ Ngoại giao Nga cho biết chính quyền Moscow chấp nhận gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, dự kiến kết thúc vào cuối tuần này, theo đài RT.

Theo đó, các điều khoản trong thỏa thuận ngũ cốc qua Biển Đen sẽ được chính quyền Kiev và Moscow kéo dài thêm 120 ngày.

Tàu chở ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. ẢNH: AP

Tàu chở ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. ẢNH: AP

Bộ Ngoại giao Nga còn cho biết rằng Nga hy vọng rằng Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ thực hiện lời hứa dỡ bỏ những hạn chế đối với việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.

Cụ thể, Nga muốn đẩy mạnh việc xuất khẩu khí Amoniac, thành phần quan trọng trong sản xuất phân bón, thông qua các đường ống qua Biển Đen, theo hãng tin Reuters.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cho biết Moscow còn muốn LHQ cam kết ngăn chặn những hành vi lợi dụng hành lang nhân đạo ở Biển Đen để thực hiện các mục tiêu quân sự.

Theo hãng thông tấn TASS, ngày 17-11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận thỏa thuận ngũ cốc sẽ được ký kết gia hạn trong ngày 19-11.

Ông Erdogan cho biết bản thân rất trân trọng những nỗ lực của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine - ông Volodymyr Zelensky trong việc mở rộng thỏa thuận ngũ cốc.

Ông Erdogan còn nhấn mạnh rằng việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc là rất quan trọng đối với việc duy trì an ninh lương thực toàn cầu.

Kể từ khi được ký kết hồi tháng 7, thỏa thuận này đã giúp hơn 11 triệu tấn nông sản được xuất khẩu qua Biển Đen đến thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Phi, theo TASS.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine được ký kết ngày 22-7, tại TP Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, do LHQ đứng ra bảo trợ. Thỏa thuận này cho phép Ukraine và Nga tạo điều kiện cho các tàu chở hàng đi qua biển Đen, nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực trên thị trường thế giới, theo Reuters.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm