Cuộc thăm và làm việc vừa kết thúc hôm 1-12. Phái đoàn này cho hay phía Triều Tiên đã bày tỏ sẵn sàng tham gia đối thoại nhưng yêu cầu Moscow phải làm trung gian hòa giải, theoRT.
“Họ tin tưởng Nga, do đó họ chỉ xem xét khả năng tiến hành các cuộc đàm phán với Nga trong vai trò trung gian” - Phó Chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga Alexey Chepa tiết lộ. Tuy nhiên, ông Chepa nói rõ trong suốt cuộc gặp với phái đoàn Nga, Triều Tiên đã không đề cập bất kỳ kế hoạch nào về chấm dứt chương trình hạt nhân.
Tờ Nikkeingày 4-12 nhận định việc Nga đẩy mạnh trao đổi với phía Triều Tiên là một nước cờ có nhiều khả năng thành công. Động thái này được đánh giá sẽ làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc với vai trò là trung gian hòa giải chính.
Ngay sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên hôm 29-11, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko đã tuyên bố: “Tôi sẽ tới Triều Tiên trong năm tới”. Điều này đáng chú ý bởi bà Matvienko hiện là nhân vật quyền lực thứ ba trong chính phủ Nga, sau Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev, theoNikkei. Giới quan sát dự đoán Moscow sẽ sớm tổ chức một cuộc gặp giữa bà Matvienko và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nếu diễn ra, một cuộc gặp như vậy sẽ tăng cường vị thế của Nga, giúp nước này trở thành trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên.
Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử một phái đoàn dẫn đầu là đặc phái viên Tống Đào tới thăm Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, cuộc gặp này được đánh giá không mấy thành công trong việc giải quyết chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Khi quan hệ Trung-Triều được đánh giá đang gặp nhiều khó khăn sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un có thể quay sang phía Nga, với niềm tin Moscow đủ khả năng giúp Bình Nhưỡng đạt được một thỏa thuận vừa ý trên bàn đàm phán.
Nga hiện có ít đòn bẩy kinh tế để tác động nhiều lên Triều Tiên. Túi tiền của Bình Nhưỡng sẽ khó có thể bị Moscow “bóp nghẹt”. Do đó, Triều Tiên sẽ tự tin để tìm tới Nga. Bên cạnh đó, Nga có thể sẽ sẵn sàng làm trung gian hòa giải để nước này khôi phục quan hệ với chính quyền tổng thống Mỹ. Đây là một cơ hội tốt để Mỹ-Nga thêm một kênh hợp tác và trao đổi, giúp hàn gắn quan hệ giữa bối cảnh căng thẳng song phương chưa có hồi kết.