“Vào ngày 31-3, đại sứ quán Liên bang Nga tại London đã gửi một công hàm tới Bộ Ngoại giao Anh. Công hàm gồm một danh sách các câu hỏi liên quan tới “vụ án Skripal” đã bị bịa đặt chống lại Nga” - thông cáo Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Theo RT, thông cáo của Nga gọi vụ đầu độc ông Skripal vốn khơi mào vụ lùm xùm ngoại giao gần đây là “trường hợp đã bị thêu dệt chống lại Nga”.
Vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal dẫn tới vụ lùm xùm ngoại giao gần đây giữa Nga và phương Tây. Ảnh: RT
Danh sách cụ thể gồm:
1. Tại sao Anh lại từ chối Nga tiếp cận lãnh sự hai công dân Nga gặp nạn trên lãnh thổ Anh?
2. Chất giải độc nào và dưới hình thức nào đã truyền cho người bị nhiễm độc? Làm thế nào các bác sĩ người Anh lại có được chất giải độc tại hiện trường?
3. Căn cứ nào để Pháp có thể hợp tác hỗ trợ kỹ thuật cho cuộc điều tra liên quan đến công dân Nga.
4. Liệu Anh đã thông báo quyết định có sự tham gia điều tra của Pháp trong vụ án lên Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) hay chưa.
5. Pháp có liên quan gì tới vụ việc?
6. Quy định nào trong pháp luật thủ tục Anh cho phép nước ngoài tham gia điều tra nội bộ?
7. Anh đã cung cấp bằng chứng nào cho Pháp để nghiên cứu và xúc tiến điều tra?
8. Liệu các chuyên gia Pháp có mặt vào thời điểm lấy mẫu chất độc từ ông Sergey và Yulia Skripal?
9. Có phải các vật liệu sinh học lấy từ ông Sergey và Yulia Skripal do chuyên gia Pháp tiến hành nghiên cứu, nếu vậy thì quá trình đó được thực hiện trong các phòng thí nghiệm đặc biệt nào?
10. Liệu Pháp đã cung cấp cho Anh kết quả điều tra hay chưa?
11. Kết quả điều tra của Pháp đã được trình lên Ban thư ký kỹ thuật của OPCW hay chưa?
12. Căn cứ nào Anh chứng minh được “nguồn gốc Nga” trong chất độc được sử dụng tại Salisbury.
13. Anh có phải cũng kiểu soát các mẫu kiểm soát chất độc mà Anh gọi là Novichok?
14. Liệu có mẫu chất độc hóa học cùng loại với “Novichok” (theo thuật ngữ của Anh) hay tương tự như vậy được phát triển ở Anh hay không?
Ngoài danh sách 14 câu hỏi trên, trước đó Nga cũng đã gửi danh sách 10 câu hỏi tới Bộ Ngoại giao Pháp.Trong danh sách, Moscow muốn biết cơ sở nào để Pháp cùng Anh tham gia điều tra vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal.
Nga cũng yêu cầu Pháp cho biết Anh đã cung cấp cho Pháp các bằng chứng nào trong vụ án. Moscow cũng yêu cầu làm rõ liệu các chuyên gia Pháp có đang giữ các mẫu chất độc thần kinh A-234 (còn gọi là Novichok) hay vật liệu sinh học từ ông Skripal và con gái hay không.
Nga cũng yêu cầu giải thích căn cứ nào các chuyên gia Pháp kết luận rằng chất độc được sử dụng trong vụ tấn công ở Salisbury là chất độc A-234 và rằng nó có nguồn gốc từ Nga. Câu hỏi cuối cùng trong danh sách là “Liệu có các mẫu chất độc hóa học cùng loại này hoặc tương tự được phát triển ở Pháp hay không, nếu có thì vì mục đích gì?”
Cựu điệp viên hai mang người Nga Sergey Skripal và con gái Yulia được phát hiện nguy kịch trên một băng ghế ở trung tâm thương mại ở Salisbury, Anh hồi đầu tháng 3. Anh kết luận họ trúng chất độc thần kinh ở cấp độ quân sự do Liên Xô phát triển là Novichok. Vì lẽ này, dù không cung cấp chứng cơ, London nói “khả năng cao” Nga chịu trách nhiệm vụ tấn công và sau đó tung ra gói trừng phạt đối với Nga, trong đó trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh.
Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc, lên án đây là “hành vi khiêu khích”, yêu cầu Anh cung cấp chứng cơ. Tuy nhiên, Anh từ chối hợp tác với Nga trong vụ này.