Ngày 9-1, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định ở Bắc Cực sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bày tỏ mong muốn Mỹ mua lại Greenland (Đan Mạch), theo đài RT.
Ông Peskov bày tỏ sự lo ngại trước việc ông Trump từ chối loại trừ khả năng sử dụng “biện pháp cưỡng ép quân sự hoặc kinh tế” trong nỗ lực mua lại Greenland.
Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Bắc Cực cũng nằm trong phạm vi lợi ích quốc gia và chiến lược của Nga.
“Chúng tôi hiện diện ở khu vực Bắc Cực và sẽ tiếp tục hiện diện ở đó” - ông Peskov nói, lưu ý rằng Nga “quan tâm đến việc duy trì bầu không khí hòa bình và ổn định” trong khu vực và “sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới vì sự hòa bình và ổn định này”.
Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Đan Mạch - ông Vladimir Barbin nhấn mạnh rằng Moscow muốn duy trì sự ổn định của Bắc Cực, cảnh báo rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng cường an ninh quốc gia của Mỹ mà gây tổn hại đến các quốc gia khác sẽ được Nga cân nhắc trong các kế hoạch quân sự”.
Ông Barbin cũng khẳng định số phận của Greenland nên được quyết định dựa trên ý chí của người dân nơi đây, trong khuôn khổ luật pháp hiện hành của Đan Mạch và không có sự “can thiệp từ bên ngoài”.
Đan Mạch và các nước châu Âu đã bác bỏ ý tưởng của ông Trump.
Trước đó, ngày 8-1, Ủy ban châu Âu cho rằng ông Trump khó có thể thực hiện ý tưởng mua lại Greenland.
“Có nhiều mối đe dọa không thành hiện thực và ở giai đoạn này, chúng tôi không tin rằng cần phải tập trung vào nó” - đài DW (Đức) dẫn lời người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Paula Pinho.
Bà Pinho lưu ý rằng một cuộc tấn công vào Greenland sẽ kích hoạt điều khoản hỗ trợ phòng thủ chung của Liên minh châu Âu (EU) theo Điều 42(7) trong hiệp ước của khối nhưng nhấn mạnh rằng “chúng ta đang thảo luận về một vấn đề mang tính lý thuyết cao”.
Ông Trump chưa bình luận về các phản ứng trên.