Điện Kremlin cho biết máy chủ từ nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã tấn công vào hệ thống mạng máy tính của Nga trong thời gian nước này tiến hành trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Phát biểu trong hội nghị an ninh mạng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hôm 7-9, ông Andrei Krutskikh - Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn thông tin - cho biết trong thời gian qua, nhiều vụ tấn công mạng đã nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng và quy trình bỏ phiếu ở Nga.
"Ví dụ, trong kỳ bỏ phiếu về việc sửa đổi Hiến pháp Nga (từ ngày 25-6 đến ngày 1-7 năm nay), đã xảy ra các cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ủy ban Bầu cử trung ương và các cơ quan chính phủ khác của Nga", ông Krutskikh nói.
Theo chính quyền Moscow, hạ tầng mạng ở Nga đã bị tấn công theo phương thức DDoS, khiến máy chủ tê liệt do nhận quá nhiều lệnh phải xử lý cùng lúc. Kết quả truy vết cho thấy các máy chủ từ Mỹ, Anh, Ukraine và một số nước khác từng thuộc Liên Xô là thủ phạm gây ra các vụ tấn công này.
Một cử tri ở tỉnh Amur (vùng Viễn Đông) bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp Nga hồi cuối tháng 6. Ảnh: CNN
Theo ông Krutskikh, không chỉ ở Nga, mọi quốc gia đều đối mặt với nguy cơ bị tấn công mạng tăng cao trong năm 2020. Các nội dụng bất hợp pháp, bao gồm nội dung ủng hộ khủng bố và các hoạt động chống phá, được phát hiện xuất hiện tràn lan trên không gian mạng.
Trước đó, hồi giữa tháng 8, Nga cáo buộc phương Tây đang thay đổi các phương thức tấn công mạng một cách không giấu giếm để chống lại các đối thủ của họ.
Phó Chánh văn phòng Hội đồng An ninh quốc gia Nga Oleg Khramov nói với tờRossiiskaya Gazeta rằng "các nước phương Tây coi không gian truyền thông toàn cầu là một nền tảng trong cuộc đấu giữa các nước".
"Phương Tây đã phát triển các phương pháp sử dụng công nghệ thông tin để gây áp lực lên các đối thủ chính trị. Đáng chú ý, việc chuẩn bị cho các chiến dịch như vậy đã trở nên công khai", ông Khramov cáo buộc.
Việc bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7 là một sự kiện hệ trọng với nền chính trị Nga. Cử tri được hỏi về nhiều vấn đề giúp định hình chính trường Nga trong giai đoạn mới, trong đó có việc mở ra khả năng kéo dài thời gian nắm quyền cho Tổng thống Vladimir Putin.
Tỉ lệ cử tri đi bầu là 67,97%, trong đó 77,92% người dân ủng hộ các điểm sửa đổi này, theo TASS.