Bộ Quốc phòng Nga trong một tuyên bố gần đây nói rằng Lầu Năm Góc có lý do để lo lắng về việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hệ thống phòng không S-400 của Nga, theo Sputnik.
“Sự run rẩy và lo lắng của Lầu Năm Góc về việc hệ thống phòng không S-400 bố trí ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ vén màn bí mật của tiêm kích F-35 không hoàn toàn không có cơ sở” - tuyên bố cho biết.
Đáp trả những tuyên bố gần đây của một vị tướng Mỹ rằng Mỹ có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không của Nga ở vùng Kaliningrad, Bộ Quốc phòng Nga lưu ý thêm: F-35 chỉ “vô hình” đối với những người mua nước ngoài và những người nộp thuế ở Mỹ. Tuyên bố của Nga nói rằng những phi công của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), những người bay sát các biên giới của Nga ở Baltic, “ý thức rất rõ” khu vực này được bảo vệ tốt như thế nào.
Các bộ phận của hệ thống S-400 được dỡ khỏi máy bay Nga tại sân bay Murted (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 27-8. Ảnh: REUTERS
Trước đó, trang tin Breaking Defense dẫn lời Tư lệnh Các lực lượng không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi Jeffrey Lee Harrigian nói rằng Mỹ đã xây dựng kế hoạch xuyên thủng hệ thống phòng không tích hợp (IADS) Kaliningrad của Nga trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Nga.
“Chẳng hạn như chúng tôi phải đến đó và hạ gục các hệ thống phòng không tích hợp (IADS) ở Kaliningrad thì không nghi ngờ gì cả, chúng tôi đã có kế hoạch cho việc đó. Chúng tôi đã huấn luyện thực hiện hành động này và chúng tôi suy nghĩ về kế hoạch đó mọi lúc, mọi nơi… Và nếu buộc phải làm điều đó, chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện” - trang tin Breaking Defense trích phát biểu của ông Harrigian.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng Moscow xem những tuyên bố “vô trách nhiệm” như của ông Harrigian là “mối đe dọa”.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400 trị giá 2,5 tỉ USD hồi tháng 12-2017. Thỏa thuận này đã làm quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ thêm căng thẳng. Mỹ tuyên bố S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ của NATO và đặt ra đe dọa cho tiêm kích tàng hình F-35.
Nga chuyển giao tổ hợp S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7. Và Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần trước thông báo việc bàn giao tổ hợp S-400 thứ hai đã hoàn tất và những hệ thống này sẽ được kích hoạt vào tháng 4-2020.
Trả lời CNN tuần trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusglu nói rằng những hệ thống S-400 sẽ được kích hoạt bất chấp Mỹ nhiều lần cảnh báo.
“Họ (các quan chức Mỹ) nói chúng tôi "không được kích hoạt chúng và chúng tôi có thể loại bỏ chúng" nhưng chúng tôi đã nói với họ rằng chúng tôi không mua những hệ thống này để làm đồ trang trí” - ông Cavusoglu nói, thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẵn sàng mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.
Trả lời hãng tin Reuters tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho hay ông sẽ thảo luận chuyện mua tên lửa Patriot với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng này. Ông Erdogan cũng cho hay mối quan hệ cá nhân của ông với nhà lãnh đạo Mỹ có thể giúp vượt qua cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ vấn đề S-400 này.
Mặc dù Washington chưa thông báo liệu sẽ áp trừng phạt lên Ankara hay không nhưng Tổng thống Trump đã thể hiện sự cảm thông đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông Trump cũng không hoàn toàn loại bỏ khả năng trừng phạt.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin nói rằng chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét áp trừng phạt liên quan tới thương vụ mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.
Một nữ quan chức Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18-9 nói rằng Tổng thống Trump đã hiểu hơn lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga và ông Trump sẽ không áp trừng phạt vào Ankara.
“Tôi hy vọng lệnh trừng phạt sẽ không được thực thi” - người này nói. Bà cho hay Tổng thống Trump đã dần đồng cảm nhiều hơn cho quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Ông ấy hiểu toàn bộ lịch sử đằng sau việc chúng tôi mua S-400” - nữ quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Theo người này, bất kỳ việc áp lệnh trừng phạt nào cũng sẽ đi ngược lại thỏa thuận gần đây giữa Ankara và Washington về thúc đẩy thương mại 100 tỉ USD, thỏa thuận đạt được sau chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trước đó trong tháng này.