Trong hai ngày 21 và 22-10, tại Brussels (Bỉ) diễn ra Hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bàn củng cố sức mạnh của khối đối phó với các thách thức an ninh từ bên ngoài. Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng Quốc phòng NATO họp trực tiếp kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Recept Tayyip Erdogan tại cuộc gặp ở TP Sochi (Nga) vào ngày 29-9.
Ảnh: KREMLIN POOL/AP
Với NATO, Nga vẫn là mục tiêu ngăn chặn cốt lõi
Theo hãng tin Reuters, ngày 21-10, các bộ trưởng đã thống nhất một kế hoạch quy mô lớn nhằm đối phó trước mọi nguy cơ tấn công từ Nga và từ nhiều mặt trận. Chiến lược nhằm chuẩn bị cho NATO trước bất kỳ nguy cơ bị tấn công đồng thời ở các khu vực Baltic và Biển Đen, có thể bao gồm tấn công bằng vũ khí hạt nhân, tấn công mạng, tấn công từ không gian. Diễn biến này cho thấy NATO một lần nữa xác nhận mục tiêu cốt lõi của mình là ngăn chặn Nga, dù thời gian qua có dồn sức đối phó với Trung Quốc.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh giữa các nước thành viên và đối tác của NATO với Nga đang có nhiều căng thẳng không chỉ về quân sự mà cả ngoại giao. Ngày 18-10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thông báo sẽ ngưng toàn bộ hoạt động của phái bộ Nga tại trụ sở NATO ở Brussels từ đầu tháng 11 tới. Nếu NATO muốn trao đổi với Nga thì phải làm việc với Đại sứ quán Nga ở Bỉ. Cùng với đó, văn phòng của phái bộ ngoại giao NATO tại Moscow cũng buộc phải đóng cửa. Quyết định này nhằm trả đũa việc NATO đầu tháng 10 thông báo trục xuất tám nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc họ làm gián điệp.
Trong bài viết trên đài RT, GS Paul Robinson tại ĐH Ottawa chuyên nghiên cứu và viết về lịch sử Nga và Xô viết cho rằng tuyên bố của ông Lavrov ngưng hoạt động phái bộ ngoại giao Nga tại NATO có thể xem như sự chấm dứt gần 30 năm quan hệ trực tiếp giữa Nga với NATO. Sự hiện diện của Nga tại trụ sở chính của NATO ở Brussels và sự hiện diện tương tự của NATO ở Moscow, ít nhất cũng cho thấy hai bên muốn sửa chữa quan hệ. Tuy nhiên, sau tuyên bố của NATO và của ông Lavrov sau đó, rõ ràng không bên nào còn quan tâm đến điều này, theo GS Robinson.
“Nếu NATO có bất kỳ động thái nào nhằm tạo thuận lợi cho tư cách thành viên của Ukraine thì sẽ phải chịu hậu quả” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cảnh cáo NATO vào ngày 21-10. Ông Rudenko có phát ngôn này khi hãng tin RIA đặt câu hỏi liên quan đến câu nói của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin rằng Mỹ ủng hộ ý định tham gia NATO của Ukraine và không nước nào có thể chống lại bước đi này. |
Nga tranh thủ riêng lẻ các nước NATO
Theo GS Robinson, khả năng tới đây Nga sẽ vượt mặt NATO và Liên minh châu Âu (EU) để giao dịch trực tiếp với các thành viên. Nga lâu nay vẫn thích có các quan hệ song phương với các nước riêng lẻ hơn có quan hệ và cố gắng đàm phán các vấn đề quan tâm với cả khối, như với NATO hay EU. Cách làm này một lần nữa được xác nhận với tuyên bố của người phát ngôn điện Kremlin - ông Dmitry Peskov tuần này rằng “sự thịnh vượng của các nước châu Âu là lợi ích của chúng tôi nhưng tất cả đều độc lập với nhau”.
Theo GS Robinson, về mặt cá nhân, Mỹ và các đồng minh châu Âu đều có thể áp dụng lập trường hợp lý với Nga. Tuy nhiên, khi đưa các nước vào chung một khối thì tất cả đột nhiên trở nên cứng rắn và thù địch với Nga, cùng hướng về mẫu số chung thấp nhất của khối trong quan hệ với Moscow. Lúc đó, quyền lợi riêng của từng nước dường như phải chịu hy sinh vì quyền lợi chung của cả khối. Phía Nga cũng từng nhận định rằng “mối đe dọa từ Nga” đang được thổi phồng nhằm tăng cường sự thống nhất nội bộ của liên minh và tạo ra vẻ ngoài “sự phù hợp của nó”.
Có vẻ như lúc này chính phủ Nga đã mất kiên nhẫn với các tổ chức đa phương phương Tây - như NATO và EU - và chủ trương bỏ qua các khối này để giao dịch riêng với từng nước. Đầu năm nay, Ngoại trưởng Nga Lavrov từng tuyên bố rằng Nga “hiện không có quan hệ nào với EU với tư cách là một tổ chức”.
Một nước thành viên quan trọng của NATO mà Nga đang tranh thủ bằng lợi ích kinh tế là Đức với dự án đường ống Nord Stream 2 giúp vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic. Các nước vùng Baltic và Ukraine rất bất an về dự án Nord Stream 2. Ukraine lo rằng với Nord Stream 2 nhiều khả năng Nga sẽ ngừng vận chuyển khí đốt qua ngả Ukraine, làm suy yếu vị trí chiến lược cũng như giảm nguồn thu của nước này. Ukraine, nhiều nước châu Âu khác và cả Mỹ còn lo ngại rằng Nga có thể sử dụng Nord Stream 2 như một quân bài chính trị đối với châu Âu, hủy hoại an ninh chung của NATO. Bất chấp sự phản đối từ nhiều thành viên NATO, Đức hiện vẫn chủ trương tiếp tục dự án này với Nga. Không thuyết phục được Đức, Mỹ đã phải nhượng bộ bằng cách ký thỏa thuận với Đức đảm bảo Nga không thể vũ khí hóa đường ống.
Một nước thành viên NATO nữa mà Nga đang tranh thủ là Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hãng tin Reuters, dù Mỹ có cảnh cáo sẽ trừng phạt nhưng sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại TP Sochi (Nga) ngày 29-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan cho biết nước này vẫn đang cân nhắc mua thêm máy bay chiến đấu và tàu ngầm từ Nga. Một tuần trước đó, ông Erdogan có nói ông định mua thêm hệ thống phòng không S-400 từ Nga. Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua nhiều hệ thống S-400, bất chấp việc bị Mỹ hủy bán tiêm kích tàng hình đa năng F-35 và trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Ông Erdogan còn cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có đề xuất với Nga hợp tác xây thêm hai nhà máy điện hạt nhân. Phần mình, ông Putin đề xuất hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ phát triển một số bệ phóng tên lửa.
Chưa biết điều gì sẽ đến, tuy nhiên theo GS Robinson, một khi Nga làm thế, NATO và EU sẽ xem đây là một phần của chiến lược “chia để trị”, sẽ hiểu là Nga đang cố gắng chia rẽ liên minh phương Tây. Hai tổ chức này sẽ xem điều này như là một bằng chứng nữa về sự ác ý của Moscow và kết quả có thể sẽ không như ý Nga muốn. Khả năng thái độ từ phía Nga sẽ làm Mỹ và NATO thêm cứng rắn và thế đối đầu giữa hai bên sẽ thêm quyết liệt.•
Trả lời phỏng vấn báo Newsweek gần đây, các ngoại trưởng ba nước vùng Baltic - Latvia, Estonia, Lithuania - cảnh báo rằng Mỹ và các đồng minh NATO phải tỉnh táo trước các thách thức từ Nga chứ không chỉ từ Trung Quốc. Theo các ngoại trưởng, mối đe dọa từ Nga vẫn chưa tan biến và Đông Âu vẫn phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trước phát ngôn của các ngoại trưởng ba nước vùng Baltic, ngày 18-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng Mỹ có thể sẽ bỏ rơi các đồng minh châu Âu như cách Mỹ đã làm với Afghanistan. |