Hôm 7-12, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow sẽ có phản ứng chính thức việc phương Tây áp giá trần đối với dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển sau khi hoàn tất quá trình phân tích tình hình, theo hãng tin Reuters. Ngày 6-12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo rằng Moscow đang soạn thảo một cơ chế đặc biệt áp dụng cho các nước tham gia kế hoạch áp giá trần dầu Nga.
Nga chuẩn bị lập giá sàn, áp mức giảm tối đa
Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin hai quan chức Nga đề nghị không nêu tên cho biết Moscow nhiều khả năng đang xem xét việc áp giá sàn cho dầu bán ra thị trường quốc tế nhằm đáp trả giá trần của phương Tây. Theo hai quan chức này, Moscow đang xem xét áp đặt một mức giá cố định cho các thùng dầu hoặc ban bố mức giảm giá dầu Nga tối đa so với giá tiêu chuẩn quốc tế.
Điện Kremlin được cho cũng đang chuẩn bị một sắc lệnh tổng thống cấm các công ty Nga và bất kỳ thương nhân nào mua dầu của quốc gia này bán cho bất kỳ nước nào tham gia vào việc áp giá trần, theo đài RT.
Hiện vẫn chưa có thông tin chính xác về mức giá sàn mà Moscow sẽ đặt ra là bao nhiêu. Tuy nhiên, trong kịch bản kế hoạch này thành hiện thực, các doanh nghiệp tham gia giao dịch sẽ tập trung vào việc liệu giá sàn của Nga có nằm trên mức trần của phương Tây hay sẽ thấp hơn đáng kể.
Bloomberg nhận định việc đặt giá sàn sẽ rất quan trọng với Nga bởi các doanh nghiệp lúc này nếu mua dầu Nga chỉ có thể tiếp cận được các dịch vụ bảo hiểm đường biển và những dịch vụ hỗ trợ khác khi trả từ 60 USD/thùng trở xuống. 90% các công ty bảo hiểm trên đường biển hiện nay đều đang thuộc các nước châu Âu như Anh, Luxembourg, Thụy Điển.
Vận chuyển đường biển không có bảo hiểm rất rủi ro, vì vậy điều này thường là yêu cầu không thể thiếu của loại hình vận tải này. Do vậy, các nước phương Tây có thể kiểm soát giá dầu được bán thông qua các hợp đồng vận chuyển dầu Nga.
Nguồn tin của Bloomberg còn cho hay Moscow muốn đặt mục tiêu cung cấp một cơ chế định giá minh bạch cho người mua dầu của mình, tuân thủ theo quy luật thị trường để chống lại giá trần của phương Tây. Moscow đang hết sức cố gắng để không làm mất lòng các quốc gia trung lập mua dầu của mình.
Về kế hoạch đặt mức giảm giá tối đa, nguồn tin Bloomberg cho biết Moscow muốn các nhà sản xuất năng lượng của Moscow không được bán dầu với mức giảm giá cao hơn giới hạn này. Mức giảm giá sẽ được điều chỉnh thường xuyên và dựa trên tình hình năng lượng toàn cầu.
Giàn khoan dầu Orlan gần đảo Sakhalin của Nga. Ảnh: REUTERS |
Mở rộng đội tàu vận chuyển dầu
Bên cạnh đó, theo tờ Financial Times, Nga có thể thực hiện nhiều biện pháp khác để né các lệnh trừng phạt, như thành lập các nhà cung cấp bảo hiểm của riêng mình để thay thế cho các nhà cung cấp tại các nước phương Tây. Nga cũng có thể mở rộng đội tàu chở dầu để tăng năng lực vận chuyển. Công ty môi giới vận tải biển Braemar (Anh) ước tính Nga, nước vốn phụ thuộc rất nhiều vào các tàu chở dầu nước ngoài để vận chuyển dầu, đã bổ sung hơn 100 tàu trong năm nay thông qua các giao dịch mua trực tiếp hoặc gián tiếp. Báo cáo của Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) cho biết Nga đã nắm quyền kiểm soát số tàu chở dầu này bằng cách mua một số tàu và sử dụng lại một số tàu từng vận chuyển dầu đến, đi từ Iran hoặc Venezuela. Nga có thể sẽ sử dụng đội tàu trên để bán lượng dầu không bán được ở châu Âu cho các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vốn không bị ảnh hưởng vì lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bên cạnh đó, việc phí thuê tàu chở dầu tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008 cũng khuyến khích nhiều công ty tham gia vào hoạt động vận chuyển dầu Nga. Reuters cho biết trong những tháng gần đây nhiều tàu chở dầu cũ đã được các chủ sở hữu tại Hy Lạp và Na Uy bán với mức giá cao cho những người mua tại Trung Đông và châu Á muốn tham gia vào hoạt động mang lại nhiều lợi nhuận này. Giới chuyên gia cho rằng một hệ thống mới của thương mại thế giới đang được tạo ra với một bên là những công ty tuân thủ các quy định pháp lý của Nga và những công ty hoạt động trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt của phương Tây.•
Nguồn cung năng lượng toàn cầu thu hẹp
Theo hãng tin DW, nhiều chuyên gia lo ngại việc các lệnh trừng phạt của phương Tây được thực thi có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Việc một lượng dầu đáng kể của Nga bị chặn khỏi thị trường sẽ khiến giá dầu tăng vọt, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế vẫn đang đau đầu kiểm soát lạm phát.
Theo các nhà phân tích tại Ngân hàng Commerzbank (Đức), các lệnh trừng phạt mới có thể đẩy giá dầu Brent tăng trở lại mức 95 USD/thùng trong những tuần tới. Sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây được áp dụng, sản lượng dầu của Nga có thể suy giảm từ 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày vào đầu năm sau.
Chuyên gia Kirill Melnikov (Anh) thuộc Trung tâm Phát triển năng lượng Nga dự báo sản lượng dầu của Nga trong tháng 1 năm sau sẽ giảm 1-1,5 triệu thùng/ngày so với mức của tháng 11, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 2 triệu thùng/ngày vào cuối quý I-2023.
Đối với nền kinh tế châu Âu, nơi từng phụ thuộc rất nhiều vào dầu Nga, tác động lớn nhất từ các biện pháp trừng phạt có thể không đến ngay trong ngắn hạn, mà sẽ rơi vào đầu tháng 2-2023 khi lệnh cấm bổ sung của EU đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu như nhiên liệu diesel của Nga có hiệu lực.
Châu Âu vẫn có một số lượng đáng kể phương tiện chạy bằng dầu diesel, đặc biệt là các xe tải vận chuyển hàng hóa và máy móc nông nghiệp. Những chi phí đắt đỏ hơn này được dự báo sẽ nhanh chóng lan tỏa khắp nền kinh tế.
“Châu Âu nhập khẩu tới 60% nhiên liệu diesel từ Nga và sẽ không dễ để tìm kiếm các nguồn thay thế. Điều này khiến khu vực này có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu dầu diesel ngay giữa mùa đông” - cựu Phó Chủ tịch Claudio Galimberti của Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy cảnh báo.