Ngày 5-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh “phong tỏa mọi tài sản và quyền lợi của chính phủ Venezuela nằm trong quyền tài phán của Mỹ”. Ngoài ra sắc lệnh cũng trừng phạt những người ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas và tăng áp lực lên các quyền lợi của Trung Quốc và Nga ở Venezuela. Lệnh phong tỏa mới này đến sau nhiều tháng leo thang trừng phạt Venezuela của Mỹ.
Trung Quốc và Nga phản đối mạnh sắc lệnh cấm vận mới nhất của Mỹ với Venezuela, gọi đây là một nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm cứu vãn một chính sách đầy vấn đề được thiết kế để lật đổ chính phủ Venezuela, theo Newsweek.
Phản ứng về sắc lệnh của Mỹ, ngày 7-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh chỉ trích rằng Mỹ can thiệp mạnh vào chuyện nội bộ của Venezuela và vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo các quan hệ quốc tế.
“Chúng tôi phải chỉ ra rằng đảng chính trị nào cầm quyền là chuyện nội bộ của quốc gia đó và nên được người dân nước đó quyết định. Nước đó chọn sẽ hợp tác với nước nào cũng nên để nước đó quyết định. Thực tế đã được chứng minh qua thời gian và một lần nữa các lệnh trừng phạt đó sẽ không bao giờ giúp giải quyết vấn đề của Venezuela. Thay vào đó, chúng chỉ tăng rủi ro khiến tình hình vượt quá kiểm soát”, báo Newsweek dẫn lời người phát ngôn Hoa Xuân Doanh nói.
Người dân Venezuela có thể sẽ là bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì lệnh cấm vận của Mỹ. Ảnh: REUTERS
“Trung Quốc đề nghị Mỹ đối mặt với điều cốt lõi của vấn đề Venezuela, quay trở lại con đường đúng đắn, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ tiến trình đối thoại của chính phủ Venezuela và phe đối lập. Mỹ bên để người dân Venezuela quyết định tương lai của họ và ngay lập tức chấm dứt cách hành xử bắt nạt, đàn áp vô cớ một quốc gia khác”, bà Hoa nói.
Các công ty Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela – nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, thậm chí khi kinh tế Venezuela bắt đầu sụp đổ và các lệnh trừng phạt của Mỹ làm tồi tệ hơn khủng hoảng tài chính của nước này. Các thỏa thuận cho vay đổi lấy dầu của Trung Quốc đã giúp rất nhiều cho chính phủ ông Maduro trụ vững, khi chính phủ Trump leo thang các nỗ lực nhằm thay thế ông Maduro bằng nhân vật đối lập Juan Guaido. Sau khi tự xưng mình là tổng thống lâm thời hồi tháng 1, ông Guaido ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Trung Quốc hiện đã trở thành đối tác nhập khẩu dầu nhiều nhất của Venezuela, vượt qua Mỹ. Trong tuyên bố ngày 7-8, bà Hoa Xuân Doanh nói sự hợp tác giữa hai nước sẽ vẫn được duy trì dù tình hình có thay đổi thế nào.
“Chúng tôi khuyên Mỹ nhận ra bài học từ lịch sử và từ bỏ việc gieo rắc bất hòa ngay lập tức”, bà Hoa khuyên Mỹ.
Đứng cùng phía với Trung Quốc về vấn đề Venezuela là đối thủ quân sự hàng đầu của Mỹ, đó là Nga. Kể từ khi Venezuela bắt đầu khủng hoảng chính trị, Nga đã duy trì “sự hợp tác kỹ thuật quân sự” và tuyên bố sẽ tiếp tục gửi quân nhân sang Venezuela, cũng như ký nhiều thỏa thuận dầu mỏ, bất kể các đe dọa từ Mỹ.
Phản ứng với hành động cấm vận Venezuela mới nhất của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 6-8 cho rằng “Mỹ tiếp tục tiến hành khủng bố kinh tế chống lại Caracas theo thói cao bồi như thường lệ. Theo bà Zakharova, “các bước đi này không có lý lẽ pháp lý thể theo quan điểm của luật pháp quốc tế và luật pháp nội địa Venezuela”.
Máy bay Ilyushin Il-62M của không quân Nga (trước) và máy bay vận tải Boeing 747 của hãng hàng không vận tải Dương Tử Airlines của Trung Quốc (sau) tại sân bay quốc tế Simon Bolivar (Venezuela) ngày 29-3. Ảnh: AFP
Cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela đã kéo dài 7 tháng, kể từ khi ông Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời. Đến thời điểm này ông Marudo vẫn từ chối ra đi. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích sự cố chấp của ông Maduro là vì có Nga chống lưng.
“Rõ ràng, các nhà chiến lược của Mỹ đã tính toán sai mức độ ủng hộ vị tổng thống hợp pháp và sự sẵn sàng của ông ấy trong bảo vệ độc lập dân tộc đất nước mình”, bà Zakharova nhận xét.
Theo bà Zakharova, hiện Mỹ đang dựa vào các nỗ lực làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế xã hội Venezuela, bằng cách thực thi các cấm đoán mang tính phân biệt mà đầu tiên là sẽ ảnh hưởng đến bộ phận dân chúng vốn đã chịu tổn thương nhiều nhất, gồm người già, người bệnh và trẻ em.
Bà Zakharova dẫn một báo cáo hồi tháng 4 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Mỹ) ước tính có “hơn 40.000 người chết từ năm 2017-2018” ở Venezuela vì trừng phạt của Mỹ. Hai nhà kinh tế học Jeffrey Sachs và Mark Weisbrot – tác giả báo cáo – cho rằng các lệnh trừng phạt này bất hợp pháp, dù theo quy định của Liên Hiệp Quốc hay của luật nội địa Mỹ.
Trao đổi với Newsweek một tuần trước khi công bố báo cáo, nhà kinh tế Weisbrot dù chỉ trích một số chính sách của ông Madudo nhưng cho rằng các lệnh cấm của Mỹ là “vấn đề chính” và gây tàn phá vì một số lý do: tàn phá sản lượng dầu, khiến nhập khẩu giảm mạnh, chủ yếu các mặt hàng thực phẩm, y tế, gây khó khăn cho nền kinh tế, làm tăng lạm phát.
Về phần mình, ngày 6-8 chính phủ Trump cảnh cáo rằng Mỹ có thể trừng phạt Nga, Trung Quốc và “bất cứ ai” tiếp tục ủng hộ ông Maduro, một phần của gói phong tỏa kinh tế Venezuela.
“Với cả Nga và Trung Quốc, chúng tôi tuyên bố sự ủng hộ của quý vị với chính phủ Maduro là quá quắt, đặc biệt với thể chế dân chủ sẽ thay thế ông Maduro” – Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton phát biểu tại hội nghị các đối tác quốc tế về khủng hoảng Venezuela tại Lima (Peru).
Nga và Trung Quốc chưa bình luận về đe dọa của Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (phải) và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross (trái) tham dự một cuộc gặp về khủng hoảng chính trị Venezuela, tại Lima (Peru) ngày 6-8. Ảnh: REUTERS
Trả lời phỏng vấn trang tin The Grayzone ngày 6-8, ông Maduro nói ông có chứng cứ cho thấy ông Bolton âm mưu ám sát ông. Trên Twitter cùng ngày, ông Bolton hoan nghênh các động thái mới nhất của ông Trump với Venezuela là quyết liệt và mang tính lịch sử, nhằm bảo vệ người dân Venezuela là tổng thống lâm thời (tự xưng) Guaido, bảo vệ các cơ quan dân chủ của Venezuela, và bảo đảm người dân Venezuela vẫn sẽ tiếp cận được hàng cứu trợ nhân đạo.
Nhà Trắng ngày 6-8 ra tuyên bố lặp lại “mọi phương án đều được cân nhắc” trong ứng phó với Venezuela – một động thái mà theo Washington Post có thể hiểu là Mỹ vẫn cân nhắc phương án sử dụng quân sự để đạt được mục tiêu của mình.