Nga và Mỹ vẫn còn thời gian để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân

(PLO)-  Bất chấp các phát ngôn cứng rắn từ các bên, chuyên gia vẫn nhận định chính quyền cả Nga và Mỹ đều không muốn có một cuộc chiến tranh hạt nhân, và trong bối cảnh này hy vọng những bài học trong quá khứ sẽ giúp chấm dứt cuộc đối đầu hiện tại một cách hòa bình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nga và Mỹ vẫn còn thời gian để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân, GS Dmitry Trenin tại Trường Kinh tế Cao cấp, nhà nghiên cứu chính tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (Nga), thành viên của Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga nhận định trên đài RT.

Ông Trenin đánh giá xung đột hiện tại ở Ukraine đang dần leo thang và có thể đưa tới nguy cơ va chạm quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ. Những ngày này Nga nhiều lần nhắc đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Phần mình, Mỹ cảnh báo rằng Nga sẽ phải chịu “hậu quả thảm khốc” nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, vì Mỹ sẽ đáp trả mạnh.

Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev (trái) và Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Ảnh: AFP

Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev (trái) và Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Ảnh: AFP

Theo ông Trenin, bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào đều phải được ngăn chặn. Bất chấp các phát ngôn cứng rắn từ các bên, ông Trenin vẫn nhận định chính quyền cả Nga và Mỹ đều không muốn có một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ông cho rằng hòa bình giữa những đối thủ không phải dựa trên những cam kết và những mong muốn, mà dựa trên sự sợ hãi lẫn nhau mà ông gọi là "sự phá hủy được đảm bảo lẫn nhau". Phải đảm bảo rằng không bên nào mất đi cảm giác sợ hãi này.

Trong bối cảnh này, ông Trenin có thể hy vọng những bài học trong quá khứ giúp chấm dứt cuộc đối đầu hiện tại một cách hòa bình.

Tháng 10 tới đánh dấu 60 năm cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (1962) vốn khiến Nga và Mỹ rơi vào cuộc đọ sức hạt nhân đe dọa hủy diệt thế giới. May mắn, các nhà lãnh đạo thời đó – lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và Tổng thống Mỹ John F. Kennedy - đã có sự khôn ngoan để lùi lại và cùng có các bước đi giải quyết khủng hoảng.

Nguyên nhân sâu xa của cả hai cuộc đối đầu là cảm giác bất an nghiêm trọng xuất phát từ việc cường quốc đối thủ sự mở rộng ảnh hưởng chính trị và hiện diện quân sự (ở Cuba trước đây, Ukraine bây giờ) ngay trước ngưỡng cửa một nước.

Nếu có những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba thì về cơ bản ở đây có hai bài học. Một là thử nghiệm khả năng răn đe hạt nhân sẽ dẫn đến hậu quả chết người cho toàn nhân loại. Hai là việc giải quyết cuộc khủng hoảng giữa các cường quốc hạt nhân lớn chỉ có thể dựa trên sự hiểu biết chứ không phải dựa vào chiến thắng của cả hai bên.

Vẫn còn thời gian và không gian để áp dụng hai bài học này với cuộc khủng hoảng hiện tại, theo ông Trenin. Ông cho biết những người Nga và người Mỹ như ông đã dành nhiều thập niên qua trong nỗ lực (mà ông thừa nhận một cách bi quan là thất bại) để giúp tạo ra mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia để cùng nhau suy nghĩ, ngăn chặn rủi ro đụng độ chết người.

Ở cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962, chính sự tiếp xúc không công khai của những con người hai bên đã giúp tránh được thảm họa. Thời điểm đó, ngoài mặt, cả Liên Xô và Mỹ đều tỏ ra không nhân nhượng trước những đòi hỏi công khai của nhau, nhưng tại các cuộc tiếp xúc bí mật sau hậu trường hai nước đã thống nhất một đề nghị giải quyết cuộc khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng kết thúc vào ngày 28-10-1962 khi Tổng thống John F. Kennedy và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc U Thant đạt thỏa thuận với lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev. Liên Xô tháo bỏ các vũ khí tấn công và đưa trở về nước dưới giám sát kiểm tra của LHQ và Mỹ đồng ý sẽ không bao giờ chiếm Cuba đồng thời thỏa thuận ngầm rút các tên lửa Jupiter hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm