Nga yêu cầu được tôn trọng khi đàm phán gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

(PLO)- Nga và Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen vào ngày 13-3 tới trong bối cảnh Moscow không thực sự hài lòng với thỏa thuận này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên Hợp Quốc (LHQ) xác nhận các cuộc đàm phán với Nga về việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen sẽ tổ chức vào ngày 13-3 tới tại TP Geneva (Thụy Sĩ), theo hãng tin AFP.

Nga và Ukraine đã ký kết thỏa thuận ngũ cốc vào tháng 7-2022 với sự trung gian LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận sẽ tự động gia hạn vào ngày 18-3 trừ khi Moscow hoặc Kiev phản đối.

Thỏa thuận gồm 2 phần: đảm bảo an toàn cho việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen và dỡ bỏ rào cản với xuất khẩu thực phẩm và phân bón Nga.

Các con tàu đang chờ kiểm tra theo Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen tại phía nam của eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 11-12-2022. Ảnh: REUTERS

Các con tàu đang chờ kiểm tra theo Thỏa thuận ​​Ngũ cốc Biển Đen tại phía nam của eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 11-12-2022. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, Moscow tỏ thái độ thận trọng trước thềm cuộc đàm phán. Ngày 9-3 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết thỏa thuận đang trở nên “phức tạp” vì vế thứ 2 của thỏa thuận liên quan xuất khẩu của Nga không được tôn trọng.

“Nếu thỏa thuận chỉ hoàn thành một nửa, thì vấn đề gia hạn sẽ trở nên khá phức tạp” - ông nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Moscow.

“Mỹ và Liên minh châu Âu đã tuyên bố rằng không có biện pháp trừng phạt nào áp dụng đối với thực phẩm và phân bón Nga, nhưng quan điểm này là không trung thực” - ông nói thêm.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận một “phái đoàn liên ngành” của Nga sẽ tới Geneva để đàm phán.

Báo cáo của LHQ ngày 9-3 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc, cho biết thỏa thuận giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Từ khi ký kết, thỏa thuận ngũ cốc Nga-Ukraine đã giúp hơn 23,7 triệu tấn lương thực lưu thông qua Biển Đen, theo LHQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm