“Giọng điệu gay gắt, hung hăng của người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ - Đô đốc Hải quân Craig Foller đã khẳng định lại nỗi sợ của chúng tôi: Hành động quân sự của Mỹ ở Venezuela không phải là lý thuyết, mà là một thực tế", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, theo hãng tin Sputnik.
Đại diện Bộ Ngoại giao Nga nói thêm Mỹ tiếp tục bỏ qua nguyên tắc không sử dụng vũ lực.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vẫy chào người ủng hộ trong một cuộc mít tinh ủng hộ chính phủ ở thủ đô Caracas hôm 6-4. Ảnh: REUTERS
Theo bà Zakharova, "Mỗi ngày chúng ta ngày càng nghe về khả năng sử dụng kịch bản sức mạnh chống lại Venezuela. Nó được thực hiện với một giọng điệu khác, nó được thực hiện với các lập luận khác nhau, nó thay đổi như hình khối trong một trò chơi, nhưng điều này không thay đổi bản chất - một lối nói hung hăng đối với một quốc gia có chủ quyền".
"Đại diện cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump không còn đơn giản là yêu cầu Tổng thống Nicolas Maduro rời khỏi văn phòng hợp pháp của mình, bây giờ còn buộc ông Maduro phải rời đi trước cuối năm nay và nếu tối hậu thư này không được thực hiện, có thể sử dụng vũ lực", bà Zakharova nhấn mạnh .
Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng mọi công cụ cho những nỗ lực của Mỹ để "khôi phục nền dân chủ" ở Venezuela vẫn đang được tính đến. Ông Pompeo khẳng định sự can thiệp quân sự vẫn là một lựa chọn trong bối cảnh khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở quốc gia Nam Mỹ này.
Hôm 17-4, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Ngân hàng Trung ương Venezuela. Trước đó, Mỹ đã áp đặt một số vòng trừng phạt đối với Venezuela để phản ứng với những diễn biến của tình hình chính trị ở nước này. Vào ngày 28-1, Mỹ tung ra các biện pháp trừng phạt đối với công ty dầu khí nhà nước PDVSA của Venezuela, tịch thu số tài sản của PDVSA ở Mỹ trị giá 7 tỉ USD. Ngoài ra, Washington đã đưa ra lệnh cấm thực hiện các thỏa thuận với công ty này.