Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, nền kinh tế Iran đang lao dốc không ngừng, dẫn tới nhiều hệ quả cho người dân.
Giá thuốc nhập khẩu đã tăng vọt khi đồng tiền Iran mất giá khoảng 70% so với USD. Ngay cả các loại thuốc được sản xuất ở Iran cũng khó mua hơn đối với người dân Iran. Giá của chúng là ngoài tầm với của nhiều người dân ở một quốc gia nơi mức lương trung bình hàng tháng tương đương với khoảng 450 USD, đài CBS News cho biết.
Hệ thống y tế của Iran không thể cung cấp đủ cho người dân và nhiều người đang đổ lỗi cho chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Tổng thống Donald Trump đã khiến giá tăng và thiếu hụt thuốc men.
Các biện pháp trừng phạt đã làm tổn thương người dân Iran, ảnh hưởng lớn đến giá thuốc nhập khẩu, khiến tất cả mọi thứ từ mặt hàng chủ lực và hàng tiêu dùng đến nhà ở tăng giá, đồng thời làm gia tăng khả năng xung đột với Mỹ.
Người dân rút tiền từ máy ATM ở thủ đô Tehran của Iran vào ngày 3-11-2018. Ảnh: AFP
Chính quyền ông Trump đã "chọc giận" Iran khi không chỉ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết dưới thời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama, mà sau đó còn áp biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhất từ trước đến nay lên Iran và tuyên bố sẽ tìm cách đưa doanh thu dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo xuống mức 0.
Mục tiêu của Nhà Trắng là làm tê liệt nền kinh tế của Iran với hy vọng buộc Tehran phải đàm phán một thỏa thuận gồm nhiều khía cạnh hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, chiến lược này đã không mang lại sự thay đổi nào từ phía Tehran.
Trong khi Mỹ khẳng định rằng thuốc men và hàng hóa nhân đạo được miễn các lệnh trừng phạt, các lệnh cấm về thương mại đã khiến nhiều ngân hàng và công ty trên thế giới ngần ngại hợp tác với Iran vì sợ các biện pháp trừng phạt từ Washington. Đất nước này cũng bị cắt khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế.
"Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là các kênh ra thế giới bên ngoài đã bị đóng", Tiến sĩ Arasb Ahmadian, người đứng đầu Bệnh viện Mahak Children, nơi hoạt động dựa vào tiền từ thiện và hiện hỗ trợ khoảng 32.000 trẻ em dưới 16 tuổi trên khắp Iran cho biết.
“Các lệnh trừng phạt về ngân hàng đã chặn các giao dịch, ngăn chặn sự đóng góp từ nước ngoài”, ông Ahmadian nói. Việc chuyển tiền trở nên thất bại, bao gồm cả những khoản được chấp thuận bởi Bộ Ngân khố Mỹ. Bức tường kinh tế này đã bắt đầu ảnh hưởng đến hệ thống y tế của Iran.
Các báo cáo chính thức cho biết Iran sản xuất khoảng 95% các loại thuốc cơ bản cần thiết và thậm chí xuất khẩu một số sản phẩm sang các nước láng giềng. Nhưng khi nói đến các loại thuốc phức tạp hơn và thuốc cho các bệnh hiếm và tốn kém và thiết bị y tế đắt tiền, Iran phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Và mặc dù nhà nước cung cấp chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, nhiều phương pháp điều trị cần thiết cho các trường hợp phức tạp không có sẵn.
Vào tháng trước, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Nhật Bản, Tổng thống Trump cho biết không có thời gian cụ thể cho việc chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Iran.
"Hoàn toàn không có áp lực về thời gian", ông nói thêm. "Tôi nghĩ rằng cuối cùng, tôi hy vọng, nó sẽ hiệu quả. Nếu như vậy thì thật tuyệt. Và nếu không thì bạn sẽ được nghe về điều đó."