GS Scott A. Synder, Giám đốc Chương trình Chính sách Mỹ-Triều Tiên, nhận định như trên trên tạp chíThe Diplomat (Nhật) ngày 6-3.
Điểm mới của Nghị quyết 2270 là mở rộng phạm vi trừng phạt, trong đó nhắm vào cấm xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và cấm nhập khẩu nhiên liệu cho hàng không và tên lửa.
Vào lúc giá dầu đang xuống và Trung Quốc cắt giảm công nghiệp than, nghị quyết rõ ràng tác động lớn đến ngành xuất khẩu than của Triều Tiên. Tuy nhiên, muốn cấm nhập khẩu nhiên liệu thì chính Trung Quốc phải ngăn chặn nạn buôn lậu hàng cấm qua biên giới với Triều Tiên.
Nghị quyết 2270 mở rộng các biện pháp trừng phạt tài chính như phong tỏa tài sản Triều Tiên và các nguồn tài chính đến và đi từ Triều Tiên. Nghị quyết kêu gọi các nước kiểm tra hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên, cấm tàu thuyền và máy bay đến và đi khỏi Triều Tiên, kêu gọi các nước hủy bỏ đăng ký đối với các tàu do Triều Tiên sở hữu.
Việc thực hiện các biện pháp cấm phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi nước. Trong khi đó, Triều Tiên nổi tiếng thành thạo sử dụng tàu treo cờ nước ngoài và các hình thức đánh lạc hướng để che mắt hoạt động nhập khẩu các mặt hàng nhạy cảm.
GS Scott A. Synder cho rằng Nghị quyết 2270 có gia tăng sức ép đáng kể với Triều Tiên nhưng rõ ràng cần nhiều năm để lệnh trừng phạt thực sự có tác dụng. Hiện thời chưa có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẵn lòng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Trung Quốc chấp thuận một nghị quyết cứng rắn đối với Triều Tiên nhưng luôn cho rằng trừng phạt để thúc đẩy đàm phán. Thêm vào đó, Bắc Kinh sẽ chỉ tích cực thực hiện nghị quyết khi nào Mỹ và Hàn Quốc xem xét lại ý định triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn ở Hàn Quốc.
Bởi thế, một số nước như Mỹ, Hàn Quốc vốn thiếu kiên nhẫn với cách Trung Quốc thực hiện nghị quyết nên đã đơn phương đưa ra các biện pháp trừng phạt riêng đối với Triều Tiên.
Hàn Quốc đã đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong với Triều Tiên, nơi đem về nguồn thu ít nhất 100 triệu USD cho Bình Nhưỡng mỗi năm. Mỹ gia tăng nỗ lực đánh vào các giao dịch tài chính và đối tác thương mại ở nước ngoài của Triều Tiên. Dù vậy, nếu muốn trừng phạt các đối tác thương mại của Bình Nhưỡng thì lại cần có Trung Quốc hợp tác bởi các công ty Trung Quốc giữ vai trò trung gian chính cho hoạt động thương mại ở nước ngoài của Triều Tiên.
Trung Quốc mong muốn các biện pháp trừng phạt thúc đẩy đàm phán hơn là thay đổi chế độ Bình Nhưỡng. Song Mỹ và Triều Tiên lại gần như không có tiếng nói chung trong vấn đề này. Tóm lại, GS Scott A. Synder nhận định sẽ còn mất khá nhiều thời gian để Nghị quyết 2270 đạt hiệu quả như mong muốn. Và e là khi Nghị quyết 2270 thực sự phát huy tác dụng thì các bên liên quan đã kịp chuẩn bị cho những gì tiếp theo.